Trên mạng xã hội vừa có tài khoản loan truyền thông tin cách chữa sốt bằng lá tía tô + kinh giới xay ra uống sống. Tài khoản này còn quay video một cháu bé lúc trước phát ban đầy người, sau đó là hình ảnh bé không còn phát ban nữa để làm chứng.
Tài khoản này tư vấn chi tiết: “Kinh giới, tía tô mỗi thứ một nắm xay làm sinh tố, uống sống ngày vài ba cốc; rau muống sống xay ra ngày 1-2 cốc là hết (khỏi sốt – pv)... Đang cho con bú, các bạn xay vài cốc cho mẹ bé uống; con nhỏ pha tý đường cho uống vài ba thìa nhỏ, uống khi đoi đói... Các cháu bé sau khi uống vào có hiện tượng đi ngoài. Để cho các cháu đi ngoài vài ba lần để thải độc. Sau khi đi ngoài lấy búp ổi và bẹ cây ổi sao vàng hạ thổ uống để cầm cho các con ko đi ngoài nữa...”.
Rất nhiều người đã tỏ thái độ hưởng ứng, hỏi cặn kẽ thêm cách chữa sốt từ tài khoản này. Còn tài khoản trên khẳng định: “Gia đình làm nghề thuốc nam mách cứu giúp dân tình thôi nên yên tâm, không phải mách bậy bạ đâu”... Số điện thoại của chủ tài khoản cũng được công khai để mọi người gọi đến nhờ tư vấn thêm...
Hình ảnh và video clip được một tài khoản đăng tải khoe "thành tích" chữa sốt bằng lá tía tô + kinh giới
Về việc dùng lá tía tô và kinh giới trị sốt, BSCK 2 Phó Đức Thuần, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết, tía tô chỉ dùng khi bị sốt nhưng không ra mồ hôi (do nhiễm lạnh), đông y gọi là âm thử. Sốt mà ra được mồ hôi, hoặc sốt do cảm nóng thì không dùng tía tô.
“Vào mùa hè, ít khi người ta dùng tía tô trị sốt (trừ trường hợp mùa hè đang nóng lại có 3-4 ngày rét và có người nhiễm lạnh). Nói chung, Đông y chữa theo biện chứng luận trị và chữa bệnh theo đông y là cả một nghệ thuật” – BS Thuần cho biết.
Đã ra mồ hôi nhiều mà lại uống tía tô thì lại ra mồ hôi nhiều hơn nữa, Đông y gọi là dương hư; biểu hư ra mồ hôi nhiều quá sẽ không tốt (nói theo Tây y là mất nước, rối loạn điện giải), lúc ấy lại phải truyền nước.
Với lá kinh giới, BS Thuần cho biết: Dùng kinh giới còn khó hơn dùng tía tô. Mọi người không biết rõ về công dụng thực tế của các cây lá thì đừng tùy tiện sử dụng kẻo mang vạ vào thân.
Lá tía tô chỉ dùng trị sốt trong trường hợp nhiễm lạnh, không ra được mồ hôi. Ảnh minh họa
BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ngày xưa tất cả thể ốm sốt nói chung, các cụ gọi là ôn dịch (ôn bệnh). Nguyên tắc điều trị ôn dịch là tùy từng giai đoạn xem nó vào sâu đến đâu để chữa. Những thứ như tía tô chỉ có giá trị trong giai đoạn đầu của ôn bệnh (nói theo Đông y là bệnh mới vào vệ và khí, tức là tương đương với viêm long đường hô hấp).
BS Cấp khẳng định: Các cách chữa như dùng tía tô, kinh giới không có giá trị gì trong chữa sốt xuất huyết Bởi bệnh sốt xuất huyết, muỗi truyền thẳng virus vào máu chứ không qua đường hô hấp.
Mắc sốt xuất huyết, 80% không có biến chứng; người bệnh chỉ sốt, lấm tấm một vài nốt xuất huyết dưới da, ngứa ngáy, hơi mệt một chút. Khoảng 10-20% có biến chứng.
Đang có dịch sốt xuất huyết nên bệnh nhân bị sốt, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi, điều trị. Ảnh minh họa: xaluan.com
Như vậy, khi sốt xuất huyết, sẽ có nhiều trường hợp chỉ uống nước lá cũng khỏi. Nhưng tai hại là những người này lại loan tin là khỏi bệnh nhờ lá nọ, lá kia. Người khác tin, làm theo, chẳng may gặp sốt xuất huyết biến chứng thì có thể mất mạng.
Theo BS Cấp, Bộ Y tế đã quy định: Chỉ điều trị theo Đông y với sốt xuất huyết độ 1, độ 2. Cấm điều trị theo Đông y khi đã ở độ 3, độ 4. Nói cách khác: Khi tiểu cầu đã xuống dưới 50.000 hay đã có dấu hiệu cảnh báo như mất nước hay cô đặc máu là không điều trị Đông y.
Để đảm bảo an toàn cho người thân, theo các chuyên gia: Ở thời điểm đang có dịch sốt xuất huyết như hiện nay, cứ có triệu chứng sốt là mọi người nên đến các cơ sở y tế. Sau đó, khi đã xác định sốt do nguyên nhân gì thì bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị theo nguyên nhân đó. Nếu thực sự muốn điều trị theo Đông y thì cũng phải gặp các thầy thuốc có uy tín, điều trị đúng cách. Mách nhau, học lỏm nhau những kiến thức Đông y một cách lõm bõm rồi áp dụng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí là mất mạng.
Cách hạ sốt cho trẻ nhanh, an toàn, khoa học. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe