Chốt kiểm dịch động vật liên ngành của tỉnh đặt tại phà La Tiến, xã Điệp Nông (Hưng Hà). Ảnh: Trịnh Cường
Ngày 3/3, trao đổi với PV, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình) cho biết, tính đến thời điểm 16h ngày 26/2, toàn tỉnh đã tiêu hủy 327 con lợn của 24 hộ ở 2 xã: Đông Đô (huyện Hưng Hà) và Lô Giang (huyện Đông Hưng).
Tính đến thời điểm hiện tại bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 6 xã của 3 huyện gồm: Đông Đô, Tây Đô, Duyên Hải (huyện Hưng Hà), Lô Giang (huyện Đông Hưng) và An Dục, Đông Hải (huyện Quỳnh Phụ). Tổng số lợn đã tiêu hủy đến 16h ngày 28/2 là 613 con lợn (tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 37.245,4kg) của 54 hộ.
Đại diện NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, do thời tiết rét, mưa, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển lây lan. Vị này cũng lo ngại tình hình dịch bệnh có nguy cơ phát sinh ra diện rộng ở trong tỉnh nếu không được áp dụng quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chuyên môn kỹ thuật và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp.
Sáng ngày 1/3, trước tình trạng dịch bệnh bùng phát, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết tỉnh đã yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, các tầng lớp nhân dân cần thống nhất nhận thức đây là dịch bệnh rất nguy hiểm và phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa.
Lực lượng liên ngành làm việc tại chốt kiểm dịch động vật Bến Hiệp (Quỳnh Phụ). Ảnh: Hà Thanh
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp theo kế hoạch của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị đã huy động lực lượng cán bộ thường trực của Cục Quản lý thị trường tham gia các đoàn công tác của tỉnh và phân công cán bộ ứng trực tại 4 chốt kiểm dịch động vật do UBND tỉnh thành lập.
Đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, thành phố tập trung lực lượng phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch động vật cấp huyện, cấp xã.
“Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn. Nguyên nhân chính là nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm.
Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến cho công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn”, ông Đặng Túc Thành, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết.
Nhiều người dân vứt rác và xác lợn chết trên sông Tà Sa, xã Bắc Sơn (Hưng Hà) tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Hà Thanh
Để khoanh vùng dập dịch, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã lập 50 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp. Sử dụng 17,9 tấn hóa chất, hơn 402 tấn vôi bột đã được tỉnh sử dụng phun, rải tại địa bàn này.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn mầm dịch lây lan từ các tỉnh ngoài vào, tỉnh Thái Bình lập chốt kiểm soát tại cầu Tân Đệ, cửa ngõ nối với tỉnh Nam Định, chốt kiểm soát tại Cầu Nghìn, Cầu Hiệp (huyện Quỳnh Phụ), chốt tại Triều Dương, La Tiến (huyện Hưng Hà).
Ông Lê Xuân Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn (Hưng Hà) cho biết: “Từ ngày 17/2 đến nay, ngày nào lực lượng của UBND xã cũng thu vớt được lợn chết mà người dân vứt trên sông Tà Sa theo dòng nước trôi về địa bàn xã. Đỉnh điểm, có ngày, cán bộ tài nguyên môi trường xã vớt và xử lý chôn lấp gần 20 con lợn chết”.
Xem thêm:
Một chiến sỹ CSGT bị tàu hỏa tông tử vong khi đang làm nhiệm vụ