Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:14
RSS

Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành liệu có lây sang người?

Thứ tư, 20/02/2019, 14:51 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam và khiến nhiều người băn khoăn lo lắng vì không biết có thể lây sang người không.

Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm thế nào, có lây sang người không?
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi rất nguy hiểm, gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao (có thể lên tới 100%) 

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) vừa chính thức thông tin về dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhập vào Việt Nam tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. 

Trả lời báo chí, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp.

Do hiện tại không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng cục Thú Y (Bộ NN-PTNT) dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, bệnh dịch tả heo châu Phi hoàn toàn không lây sang người, nên người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm thịt lợn, ảnh hưởng đến thị trường cũng như tình hình chăn nuôi của người dân.

Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm thế nào, có lây sang người không?
Hình ảnh xử lý ổ DTLCP tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 2/2019 (Ảnh: Nông nghiệp VN)

Giải thích về nguyên nhân bệnh xuất hiện ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, trong khi đó chưa ghi nhận ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc là quốc gia hiện có các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, Cục Thú Y cho rằng nguồn vi rút có thể phát tán qua các loài chim di cư từ nơi có khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn.

Theo Cục Thú y, cách phòng trị bệnh tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp sinh học. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, tốt nhất là không sử dụng. 

Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc xin. Không để những người bán cán, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biệt pháp xử lý, sát trùng mọi ngương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm...

Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển từ nơi đang có bệnh đi bất kỳ nơi khác, trừ khi được.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC