Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:33
RSS

Sự thật về 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trong Thủy hử truyện?

Thứ bảy, 30/09/2017, 16:48 (GMT+7)

Theo Thủy hử truyện, 108 anh hùng hảo hán tụ hội tại Lương Sơn Bạc, dương cao lá cờ Thế thiên hành đạo, làm việc nghĩa, được nhân dân yêu mến.

Thủy hử truyện, (Thủy hử có nghĩa là bến nước), là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa (Tứ đại danh tác). Tác giả của truyện Thủy hử được biết đến là Thi Nại Am, truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự.

Cốt truyện chính của Thủy hử là sự hình thành, phát triển và tan rã của một nhóm người chống triều đình, tự xưng là nghĩa sĩ Lương Sơn, thường gọi là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Tống Giang.

Theo chính sử Trung Quốc đúng là có Lương Sơn Bạc và có đám người hảo hán cư ngụ nơi này và chống lại triều đình, song không có ghi 108 người như trong Thủy hử truyện.

Lương Sơn Bạc nằm ở phía Nam huyện Thọ Trương, Vận Châu, tỉnh Sơn Đông. Trước vốn là một hồ nhỏ, sau do tự nhiên kiến tạo trở thành một biển hồ rộng đến mấy trăm dặm.

Lương Sơn Bạc có diện tích rộng lớn, lau lách um tùm, bên trong lại có nhiều “ốc đảo” nên trở thành nơi cư ngụ lý tưởng của dân đánh cá, và cả tội phạm, trộm cướp.

Nơi đây tụ tập rất nhiều đám người bất mãn với Tống triều, thường xuyên có những cuộc nổi dậy chống lại triều đình và đánh chiếm các vùng lân cận, vì thế nói 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn không chỉ nói về đám người của Tống Giang, mà bao quát cả những đám quân từng nổi dậy nơi đây.

Thủy hử truyện có nhiều chi tiết hư cấu về đám người Tống Giang

Thủy hử truyện có nhiều chi tiết hư cấu về đám người Tống Giang. Ảnh: Internet

Tống Giang, người đứng đầu một nhóm người ở Lương Sơn cũng là một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc, ông sống vào thế kỷ 12 dưới triều Tống. Tuy nhiên, cuộc đời thật của ông chỉ được Tống sử đề cập rất ít và không giống những gì miêu tả trong Thủy hử....

Theo Tống sử vào tháng 2/1122, thời Tống Huy Tông, tri châu Trương Thúc Dạ đem quân đánh Lương Sơn, Tống Giang trúng kế, viên tướng tài giỏi của Tống Giang là Lư Tuấn Nghĩa bị Trương Thúc Dạ bắt. Tống Giang lui vào cố thủ không ra, Trương Thúc Dạ vừa đánh vừa chiêu hàng.

Tống Giang chấp nhận quy hàng và làm Sở Châu an phủ sứ cho triều đình. Không có gì giống như được đề cập trong Thủy Hử và không nhắc đến đám người Võ Tòng, Quan Thắng, Hô Diên Trước, Ngô Dụng… Cũng có tài liệu ghi đám người của Tống Giang có 36 tướng lĩnh tài giỏi, song không ghi rõ tên họ các tướng là gì.

Hầu hết các sử tịch triều Tống đều chép việc Tống Giang chấp nhận chiêu an, sau đó đem quân đi trấn áp khởi nghĩa của Phương Lạp.

Tuy vậy tại vùng Hải Châu, nơi Tống Giang bại trận, người dân vẫn lưu truyền việc Tống Giang và các nghĩa sĩ đều bị Trương Thúc Dạ giết chết, chôn dưới núi Bạch Hổ.

Núi này hiện ở phía Tây Nam cổ thành Hải Châu, cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô. Núi chỉ cao 62,8 m, được người dân gọi là “Hảo hán doanh” (mộ hảo hán).

Năm 1939 khai quật được tấm mộ chí minh của Võ Công đại phu Chiết Khả Tồn thì lại chép rằng Khả Tồn chiến thắng Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một võ công lừng lẫy của mình.

Vì thế, một số ý kiến cho rằng Tống Giang chấp nhận quy hàng nhưng sau đó lại dấy binh phản Tống một lần nữa. Đến năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122) thì bị Chiết Khả Tồn trấn áp và giết chết.

Thủy Hử tập cuối - Trận chiến cuối cùng. Nguồn: Oh Yeah

Nguyễn Hưng
Theo Đời sống Plus/GĐVN