Thứ bảy, 18/01/2025 | 09:21
RSS

Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn

Thứ sáu, 22/11/2024, 10:51 (GMT+7)

Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.

Lăng vua Đồng Khánh, còn được gọi là Tư Lăng, là một trong những điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

Tọa lạc tại thôn Thượng Hai (phường Thủy Xuân, TP. Huế, Thừa Thiên Huế), lăng Đồng Khánh không chỉ là nơi an nghỉ của vị vua triều Nguyễn, mà còn phản ánh rõ nét sự giao thoa kiến trúc giữa truyền thống Á Đông và phong cách Tây phương.

Theo tài liệu, vua Đồng Khánh có tính tình hiền lành, thích đọc sách, xem tuồng và thích nghiên cứu kinh Dịch, đặc biệt là nhà vua rất tín mộ đạo thờ Mẫu.

Vua Đồng Khánh là vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn và là anh trai cả của vua Kiến Phúc, vua Hàm Nghi.

Sinh thời, vua Đồng Khánh không ngờ đến vận mệnh vắn số của mình nên chưa nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm. Như bù đắp cho sự kém may mắn này, lăng của vua được yên nghỉ giữa nơi nồng ấm tình cảm gia đình. Xung quanh là lăng mộ của bà con quyến thuộc như lăng vua Tự Đức (bác ruột và là cha nuôi), lăng Kiên Thái Vương (cha ruột vua), lăng bà Từ Cung (con dâu), lăng bà Thánh Cung (vợ) và xa hơn là lăng bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (bà cố nội), lăng vua Thiệu Trị (ông nội)...

Về quy mô, lăng vua Đồng Khánh không khác lạ đáng kể so với lăng của các vị vua tiền triều. Cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ.

Sau khi lên ngôi, vào năm 1888, vua Đồng Khánh cho xây dựng bên lăng mộ của vua cha ngôi điện Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang được triển khai, vua đột ngột qua đời do mắc bệnh.

Sau đó, vua Thành Thái kế vị và cho đổi tên điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Đồng Khánh. Thi hài vua được mai táng trên quả đồi nằm cách điện Ngưng Hy khoảng 30 mét.

Vào năm 1916, vua Khải Định - con trai của vua Đồng Khánh, lên ngôi và đã cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cha mình.

Quá trình xây dựng lăng trải qua 4 đời vua (1888 - 1923) nên lăng vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử. Nếu kiến trúc lăng vua Tự Ðức mang phong cách cổ truyền, kiến trúc lăng vua Khải Ðịnh thể hiện phong cách hiện đại, lăng vua Ðồng Khánh là bước trung chuyển.

Nhìn chung, lăng vua Đồng Khánh mở đầu cho thời kỳ kiến trúc pha trộn Âu Á, Tân cổ.

Cùng với các khu lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn khác, lăng vua Đồng Khánh đã góp phần làm phong phú cho toàn bộ kiến trúc lăng tẩm cung đình Huế.

Ngày nay, lăng vua Đồng Khánh không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về triều Nguyễn và chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc đặc sắc.

Lăng vua tọa lạc giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình với cây cỏ xanh tươi và không gian yên ả mang đến cảm giác thư thái, an lành cho du khách thập phương. Đây cũng là nơi lý tưởng để ghi lại những bức ảnh lưu niệm về một thời vàng son của Cố đô Huế.

Lăng vua Đồng Khánh là minh chứng sống động cho sự thích ứng trong kiến trúc của triều Nguyễn khi đối diện với những thay đổi của thời đại. Ghé thăm nơi đây, bạn cảm nhận được nét giao thoa văn hóa độc đáo, góp phần làm nên vẻ đẹp muôn màu của mảnh đất xứ Huế.

Lăng vua Đồng Khánh là một trong những yếu tố cấu thành quần thể di tích rộng lớn của Cố đô Huế, làm cho di sản văn hóa Huế thêm đa dạng và độc đáo.

Hải Vân - Nhật Bình
Theo Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh