Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:08
RSS

Sốt xuất huyết 'hoành hành', số ca bệnh tăng hơn 200% tại TP.HCM

Thứ hai, 25/02/2019, 11:19 (GMT+7)

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến ngày 14/2, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018.

Sốt xuất huyết 'hoành hành', số ca bệnh tăng hơn 200% tại TP. HCM
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018 (ảnh: báo Lao động)

Thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng hiện tại, số ca mắc bệnh tại một số bệnh viện vẫn luôn ở mức cao. 

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong 7 tuần đầu của năm 2019, bệnh SXH tại thành phố tiếp tục lập đỉnh mới. Cụ thể, từ ngày 1/1-14/2, TPHCM ghi nhận 6.733 trường hợp nhập viện do SXH, chưa kể số lượng lớn người mắc điều trị ngoại trú và điều trị tại các phòng khám tư. Như vậy, từ đầu năm đến ngày 14/2, số ca mắc SXH tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018, theo TTXVN.

Điều đáng lưu ý là trước đây, bệnh sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm nay tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.

Theo báo Lao Động, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM các khoa khám chữa SXH luôn trong tình trạng quá tải. Theo đó, BV có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D, trong đó, riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân.

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, tại BV Bệnh Nhiệt đới đã có một trường hợp tử vong do SXH. Một số ca chuyển nặng phải lọc máu…

Nhận biết các triệu chứng nguy hiểm

Sốt xuất huyết 'hoành hành', số ca bệnh tăng hơn 200% tại TP. HCM
Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh SXH lây từ người bệnh qua người lành qua sự hút máu của muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue – giai đoạn nguy hiểm – giai đoạn hồi phục. 

Đối với các bệnh nhân SXH thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh, đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu.

Các triệu chứng bao gồm: Người bệnh đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã; Xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc rất ít; Tay, chân lạnh; Da đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại; Người bệnh tiểu ít hẳn hoặc không tiểu chút nào, nhưng rất khát.

Từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), nếu nhận thấy một hoặc vài triệu chứng kể trên thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Khi cắt sốt, bệnh nhân chưa hẳn đã qua cơn nguy hiểm vì bệnh có thể bất ngờ trở nặng. Các dấu hiệu bệnh trở nặng gồm: Ói mửa nhiều, đau bụng, bứt rứt, trẻ em thường quấy khóc; Tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi; Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, đại tiện ra máu. Khi có các dấu hiệu này, cần ngay lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu. 

Để bảo vệ gia đình khỏi bị SXH người dân cần chủ động phòng chống SXH bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi sinh sản và phát triển cũng như không để bị muỗi đốt.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN