Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:10
RSS

Sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện Đà Nẵng quá tải

Thứ ba, 27/11/2018, 07:48 (GMT+7)

Riêng trong tháng 11, Đà Nẵng ghi nhận trên dưới 1.000 ca sốt xuất huyết. Bệnh viện chật kín bệnh nhân. Trên mỗi giường bệnh là ba, bốn người chen nhau nằm ngồi vạ vật.

Đà Nẵng: Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết tăng đột biến

Quá tải, bệnh viện Đà Nẵng phải kê thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ngoài hành lang (Ảnh: Thanh Trần/Tiền Phong)

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng, trong tháng 11, số ca sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng tăng đột biến. Cụ thể, đến thời điểm này, Đà Nẵng đã ghi nhận 3.867 ca SXH, giảm so với cùng kì năm ngoái là 6.383 ca. Tuy nhiên, riêng trong tháng 11, Đà Nẵng ghi nhận trên dưới 1.000 ca, chưa tính các bệnh từ các tỉnh thành khác chuyển về. 

Theo Tiền Phong, ghi nhận tại khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng, tất cả các tầng đều chật kín bệnh nhân. Trên mỗi giường bệnh là ba, bốn người chen nhau nằm ngồi vạ vật. Lối đi ở các hành lang cũng được tận dụng để kê thêm giường cho người bệnh SXH. 

Chị Nguyễn Thị Chanh (quận Sơn Trà) mệt mỏi kể bị sốt, chảy máu răng, vào viện đã 6 ngày nhưng chưa có hôm nào được ngả lưng thoải mái. “Giường tôi nằm tới 3 người. Ai chuyền nước thì được nằm một lúc, còn không phải nằm nghiêng cho đủ chỗ. Bình thường gắng gượng vậy đã mệt, huống chi người đau! Không biết phải chịu cảnh này tới bao giờ nữa”. 

Đà Nẵng: Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết tăng đột biến

Trên mỗi giường bệnh là 3-4 người chen chúc (Ảnh: Lao động)

Lý giải nguyên nhân của việc bùng phát dịch SXH, ông Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay đang là mùa mưa, thời điểm thuận lợi cho việc sinh sôi của muỗi. Người dân mặc dù có kiến thức về phòng chống bệnh dịch nhưng chưa thực sự bắt tay vào làm.

“Nhiều khu vực được cảnh báo có nguy cơ bùng phát dịch, người dân có biết nhưng khi kiểm tra thì xung quanh nhà họ đều có loăng quăng, bọ gậy. Thời điểm này chỉ cần một trận mưa, nước đọng lại mà không kiểm soát được là vài ngày sau muỗi có thể sinh sôi rất nhanh” – ông Lãm trả lời báo Lao động.

Bên cạnh đó, ông Lãm cũng thông tin rằng người dân còn chưa tích cực hợp tác trong việc phun hoá chất, hiện nay có khu vực chỉ đạt 50% đến 70% việc phun hoá chất. 

Hiện, Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các bệnh viện tích cực tập trung điều trị, tăng thêm giường bệnh, Trung tâm y tế các quận huyện tăng cường công tác phòng chống dịch.


Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN