Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:28
RSS

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nhiều ca không rõ nguồn lây

Thứ năm, 09/07/2020, 09:40 (GMT+7)

Ghi nhận tại Bệnh viện E, trong ba tuần trở lại đây tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám bệnh tay chân miệng.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, không rõ nguồn lây

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội hiện nay, thành phố đã ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Hiện đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Ghi nhận tại Bệnh viện E, trong ba tuần trở lại đây tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám tay chân miệng.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nhiều ca không rõ nguồn lây

Ảnh minh họa

ThS.BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, riêng trong ngày 7/7, đã có bốn bệnh nhi phải nhập viện vì có biểu hiện của tay chân miệng cấp độ 2. Theo bác sĩ Quý, bốn trường hợp này đều là các bé trai độ tuổi từ 13-17 tháng có chung các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ, nổi phỏng nước trên da và giật mình.

Trong đó, một bệnh nhi có tình trạng giật mình 10 phút/lần trong đêm. Đến nay, sức khoẻ các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình. Trong 4 bệnh nhi, một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần. Các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây.

Biến chứng nặng nề, không thể chủ quan

BS Quý cho biết, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.

Trên thực tế, đây là bệnh có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, hai khoảng thời gian xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất là tháng 4-6 và tháng 9-10. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng được xác định thông qua 4 mức độ. Ở mức độ một, bệnh nhân có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng và có thể điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, khi phát bệnh ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng tại cơ quan hô hấp và tuần hoàn như suy tuần hoàn, phù phổi cấp,...

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nhiều ca không rõ nguồn lây

Tay chân miệng gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong

Theo BS Quý, tùy vào mức độ cũng như thể trạng của mỗi bé, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau. Điển hình như biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,...
Bệnh sẽ có những di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ. Với những biến chứng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. 

Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Tay chân miệng dễ lây lan với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là vấn đề đáng lo ngại nếu mọi người chủ quan và không có góc nhìn toàn diện. 

BS Quý cũng bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua một đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch tay chân miệng với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề. Từ đó, BS Quý khuyến cáo, thông thường, các trường hợp đều biểu hiện ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban để các bác sĩ đánh giá toàn diện và quyết định trẻ đang ở mức độ nào.

Rửa tay thường xuyên, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi chăm sóc con nhỏ là điều rất quan trọng. Khi trẻ mắc bệnh, phải cách ly tối đa, không để trẻ tiếp xúc với các bạn khác. Để cung cấp đủ dinh dưỡng do bệnh lý gây loét miệng, cha mẹ cho con ăn loảng như cháo, sữa và tăng đề kháng bằng nước hoa quả, sữa chua. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN