Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:20
RSS

Bệnh nhân thứ 6 ở Đắk Lắk tử vong do bệnh dại trong năm 2020

Thứ tư, 08/07/2020, 14:16 (GMT+7)

Qua điều tra dịch tễ, vào khoảng tháng 2/2020, bệnh nhân T. bị chó chạy rông trong buôn cắn vào chân nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Sự kiện:
Bệnh dại

Ngày 8/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn tỉnh vừa tiếp tục ghi nhận thêm một bệnh nhân tử vong do bệnh dại tại huyện Krông Bông. Trước đó, ngày 30/6, bệnh nhân T.V.T. (sinh năm 1973, trú tại buôn Khanh, xã Cư Pui, H.Krông Bông, Đắk Lắk) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở, sợ nước, sợ gió, ăn uống khó, nuốt nghẹn.

Đến ngày 3/7, gia đình đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sĩ thăm khám và tạm đoán bệnh dại lên cơn, bệnh nhân được điều trị thuốc an thần và các thuốc hỗ trợ khác. Ngày 4/7, các triệu chứng bệnh tăng nặng, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, bệnh nhân tử vong vào buổi chiều tối cùng ngày.

Qua điều tra dịch tễ, vào khoảng tháng 2/2020, bệnh nhân T. bị chó chạy rông trong buôn cắn vào chân nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 6 tại Đắk Lắk tử vong do bệnh dại, so với cùng thời điểm năm 2019 đã tăng thêm 2 ca.

Bệnh nhân thứ 6 tại Đắk Lắk tử vong do bệnh dại

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị các loài động vật cắn phải, cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Cuối cùng là người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccin phòng dại ngay sau bị chó cắn.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN