Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:00
RSS

Số ca bệnh tay chân miệng tăng đột biến tại Hà Nội, Bình Dương

Thứ năm, 04/10/2018, 19:00 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng ở Hà Nội hiện tăng gấp đôi số ca, nhiều trẻ bị biến chứng não. Trong khi đó, số ca tay chân miệng ở Bình Dương cũng tăng đột biến.


Bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm vì vậy người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi, tuy nhiên không đột biến do số ca mắc trung bình trong nhiều năm trở lại đây đều dao động từ 2.000 – 4.000 ca. Trong đó, mức 4.000 ca là đỉnh dịch năm 2011. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới, theo Vietnamnet.

Tại BV Nhi TƯ, từ đầu đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc tay chân miệng, hiện tại 12 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm. Trong khi cả năm 2017, BV Nhi TƯ tiếp nhận hơn 200 ca tay chân miệng.

Trả lời Vietnamnet, ThS.BS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%.

Đáng lưu ý, phần lớn mẫu bệnh phẩm của BV Nhi TƯ gửi sang Viện Dịch tễ TƯ xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh tay chân miệng đều nhiễm chủng EV71.


Trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại BV Nhi TƯ (Ảnh: Vietnamnet)

Trong khi đó, tình hình bệnh tay chân miệng ở Bình Dương cũng đang gia tăng đột biến. Theo TTXVN, trong hai tháng 8 và 9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.400 ca mắc bệnh tay chân miệng, chiếm gần 70% số ca mắc bệnh này từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Dương, cho biết trong 9 tháng của năm 2018, Bình Dương ghi nhận trên 3.800 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 230 ca so với cùng kỳ năm trước, chưa có trường hợp tử vong. 

Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, đa phần các trường hợp bị bệnh tay chân miệng ở Bình Dương là trẻ dưới 5 tuổi, tập trung ở các nhóm trẻ tư nhân. Những địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân như thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một chiếm gần 50% số ca mắc tay chân miệng trong toàn tỉnh.

Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện nay bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm (từ tháng 8 đến tháng 11). Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng hiện hữu tại phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.

Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. 

Xem thêm lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN