Nhắc đến Brazil người ta thường chỉ nghĩ đến bóng đá lễ hội văn hóa Carnival và lễ Reveillon hay những điệu Samba nồng nhiệt và rực rỡ hay là cuộc đấu tranh sinh tồn tại khu rừng có hệ sinh thái lớn bậc nhất thế giới – Amazon.
Thế nhưng, nơi nguy hiểm và đáng sợ nhất tại Brazil lại là hòn đảo ít người biết đến Ilha da Queimada Grande. Nơi đây không ai dám đặt chân đến vì đó là "quốc đảo" của những loài rắn độc.
Hòn đảo này khá lớn, có diện tích khoảng 430.000m2 và được mệnh danh là hòn đảo nguy hiểm bậc nhất thế giới. Đến mức chính quyền phải đặt lệnh cấm không cho bất kỳ ai đặt chân lên đảo, dù là dân địa phương hay khách du lịch
Theo thời gian, cái tên Ilha da Queimada Grande dần trôi vào quên lãng và chẳng còn ai nhớ tới, bởi người ta chỉ biết đến Đảo rắn với giai thoại 1 mét vuông có 5 con rắn và là nơi sinh sống của loài rắn độc nhất thế giới.
Gọi là Đảo rắn vì hòn đảo này "ngập" trong rắn rồi. Theo thống kê, lượng rắn trên đảo nhiều đến mức khi tính trung bình, mỗi mét vuông bạn sẽ phải chạm mặt 5 con rắn. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết con số trên có phần hơi phóng đại so với thực tế.
Điều khiển người ta rùng mình hơn nữa là những con rắn ở Đảo rắn đều to lớn và có độc, thậm chí là độc chết người.
Theo một bài viết trên National Geographic, Queimada Grande là nơi duy nhất có sự xuất hiện của rắn hổ đầu giáo vàng (golden lancehead viper) - một trong những loài rắn độc bậc nhất thế giới. Nọc độc của nó được xếp vào dạng kinh hoàng, có thể làm tan chảy thịt da.
Giai thoại về loài rắn này thì có rất nhiều, nhưng có hai giai thoại đến nay vẫn được người dân Brazil truyền tai nhau.
Đầu tiên là câu chuyện về một anh ngư dân vô tình đặt chân lên đảo để chặt chuối. Anh ta bị cắn nhưng vẫn về được thuyền và có vẻ kịp thời hút nọc rắn ra ngoài. Sau đó người ta tìm thấy xác anh này trên một chiếc thuyền ngập máu.
Câu chuyện thứ hai là về gia đình vận hành hải đăng cuối cùng trên đảo. Một đêm nọ, đàn rắn hung hãn bỗng bò qua cửa sổ, tấn công cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Tuyệt vọng chạy trốn, nhưng mọi cố gắng đều trở nên vô ích khi lũ rắn mai phục trên các cành cây vồ xuống cổ những nạn nhân xấu số.
Chẳng rõ các câu chuyện trên đúng được bao nhiêu phần, nhưng sự nguy hiểm của loài rắn này là có thực. Theo báo cáo của Bộ Y tế Brazil, 90% các ca tử vong do bị rắn cắn tại Brazil đều là của loài rắn này.
Sau quá nhiều lần khuyến cáo mà không thành, chính phủ Brazil đã phải đặt ra lệnh cấm ngăn không cho những “kẻ dại khờ” tìm cách đặt chân lên đảo. Chỉ những nhà khoa học với các phục trang đặc biệt mới được phép đến đây để nghiên cứu thôi.
Dù vậy, lệnh cấm cũng chẳng thể ngăn được những kẻ săn trộm. Được biết, loài rắn hổ đầu giáo vàng có giá rất cao trên chợ đen - không dưới $30.000 (hơn 660 triệu đồng).
Ở thời điểm hiện tại, những câu hỏi xung quanh việc tại sao loài rắn hổ đầu giáo vàng có nọc độc kinh khủng như vậy vẫn đang là ẩn số thách thức các nhà khoa học. Trên thực tế, loài rắn này có một số họ hàng ngoài đất liền, nhưng không loài nào có được nọc độc kinh khủng như vậy.
Một số giả thiết được đặt ra, nổi bật nhất là hiện tượng nước biển dâng vào 11.000 năm trước đã khiến hòn đảo trở nên tách biệt. Lũ rắn mắc kẹt tại đây với nguồn thức ăn hạn chế.
Đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cho việc tại sao loài rắn này lại sở hữu nọc độc kinh khủng đến vậy. Ảnh Atlas Obscura
Vấn đề là rất ít loài rắn có nọc độc đủ mạnh để phát tác luôn sau khi cắn, một số loài thậm chí cần đến mấy ngày. Với trường hợp của rắn hổ đầu giáo vàng, thức ăn đã hiếm lại còn biết chạy sau khi cắn thì quả thực là bi kịch.
Vậy nên, chúng buộc phải tiến hóa để tạo ra một loại độc kinh khủng hơn, cho phép giết chết con mồi sau một lần cắn. Nó đậm đặc gấp 5 lần nọc rắn thường, có thể làm tan chảy da thịt con người nếu tiếp xúc.
Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giả thuyết mà các nhà khoa học đưa ra và chưa có bằng chứng xác minh giả thiết này. Có lẽ để tìm ra bí ẩn thực sự của hòn đảo này chúng ra sẽ còn mất rất nhiều năm nữa.
Xem thêm: Dùng kích điện bắt rắn hổ mang chúa khổng lồ dài 5m nặng 20kg tại Vĩnh Phúc