Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:22
RSS

Rời xa phố thị ồn ào bụi bặm, từ bỏ công việc lương cao để về quê... cuốc đất, trồng rau

Thứ sáu, 25/10/2019, 17:01 (GMT+7)

Từ bỏ công việc ổn định nơi thành phố với mức lương khá cao, nhiều chàng trai và cô gái trở về quê hoặc lên rừng để làm kinh tế, sống chan hòa với thiên nhiên.

Cô gái Đắk Lắk “bỏ phố về rừng” sống bình yên, không cần đến tiền

Rời xa phố thị ồn ào bụi bặm, từ bỏ công việc lương cao để về quê2

Tâm An thường lên nương rẫy, đọc sách, chơi với lũ trẻ trong bản

Tâm An (tên thật là Phạm Thị Thanh Loan), sinh năm 1991 quê Đắk Lắk được biết đến là chủ nhân của loạt video gây “sốt” về cuộc sống yên bình ở vùng cao Tây Bắc. Cô còn được mệnh danh là “Lý Tử Thất - tiên nữ đồng quê" của Việt Nam

Trước đây, Tâm An từng là một designer, với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội. Cuộc sống bận rộn, với những áp lực vô hình khiến cô gái 9x luôn cảm thấy mệt mỏi. Đúng lúc chán chường, Tâm An nhận được lời đề nghị của một người chị, mời lên làm đầu bếp cho một homestay ở Sa Pa, Lào Cai và cô gái 9x nhận lời ngay.

Nơi Tâm An ở là một homestay nhỏ nhắn, nằm giữa thung lũng Mường Hoa, bản Ý Linh Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Hàng ngày, Tâm An nấu ăn cho khách đến nghỉ dưỡng, chăm chút homestay, thời gian còn lại cô lên nương rẫy, đọc sách, chơi với lũ trẻ trong bản hoặc quay video về cuộc sống của bà con nơi đây.

Mọi sinh hoạt của cô gần như “tự cung, tự cấp” rất ít khi cần đến tiền. Tâm An tự trồng vườn rau nhỏ xinh ngay cạnh homestay. Cô cũng học cách nhuộm quần áo, tự làm tương đậu, nuôi giấm và chế nước rửa bát, dung dịch xịt muỗi bằng các loại cây, củ quả thiên nhiên trong rừng.

Tâm An kể, thời gian đầu “bỏ phố, về rừng” cô cũng phải mất một tháng để làm quen và thích nghi. Cuộc sống thiên nhiên, thiếu thốn trăm bề không đơn giản như những gì cô gái trẻ hình dung khiến nhiều lần cô òa khóc vì tủi thân.

“Mỗi sự lựa chọn luôn có sự đánh đổi, được cái này, phải chấp nhận mất cái kia... Với mình bây giờ thì cơm rau rừng, hít thở không khí ở rừng, mùa hè đến được đắm mình dưới dòng nước mát lành của suối, mùa đông được sưởi ấm bên bếp lửa cùng tụi nhỏ, được ngắm sương giăng khắp núi đồi, mỗi tối, mỗi sáng thức dậy không gian yên tĩnh chỉ tiếng gà gáy, tiếng côn trùng, tiếng giọt gianh rơi… là hạnh phúc mà dù có lương triệu đô cũng không thể đánh đổi”, Tâm An thành thật tâm sự trên Dân trí.

Kỹ sư bỏ lương 15 triệu ở công ty nước ngoài về làm nông dân

Rời xa phố thị ồn ào bụi bặm, từ bỏ công việc lương cao để về quê

Việt Lâm bên khu vườn rau sạch của mình

Cách đây gần 2 năm, chàng trai Nguyễn Việt Lâm, tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bỏ công việc kỹ sư điện tử cho công ty Hàn Quốc với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, mức lương mà nhiều bạn trẻ mơ ước để về khởi nghiệp bằng trồng rau.

Nhiều người cho rằng Lâm dại, bởi ngoài công việc bỏ dở thì Lâm còn là “con trai cưng” của gia đình doanh nhân Nguyễn Văn Sáu, một người có nhiều năm làm nghề khai khoáng, có dư của ăn của để. 

Khi là sinh viên, Lâm luôn đứng trong tốp 15 người có thành tích học tập tốt nhất khoa Cơ điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, được tập đoàn Nistan của Nhật liên kết với trường đào tạo chuyên sâu, cơ hội sang Nhật tu nghiệp và làm việc trong tầm tay, nhưng Lâm lại chọn niềm đam mê. Việc Lâm quyết định trồng rau thủy canh được ông Sáu, bố Lâm ủng hộ, còn mẹ Lâm thì ngăn cản.

Trang trại nông nghiệp 4.0 của Lâm được quy hoạch bài bản, tự động hóa từ quạt mát, phun sương tưới ẩm, đến hệ thống đường ống dẫn nước lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Hiện tại, đã có một khu nhà kính rộng hơn 1.000 m2, khu đóng gói, khu hầm chứa vi chất dinh dưỡng và còn 2 khu đất trống được san ủi khá công phu để chuẩn bị xây dựng tiếp nhà kính.

"Cả khu đất này trên 20 ha chủ yếu đất vườn đồi, cách xa khu dân cư, em ở lán bạt gần như cả ngày đêm. Khi có mặt bằng lại thiết kế nhà kính, xử lý nước, đất, hệ thống máng trồng, đến nỗi, bạn đến thăm em còn không nhận ra vì trông giống “thổ phỉ”, đen nhẻm. Sau 2 năm vất vả mới hình thành được cơ bản khu sản xuất này...", Nguyễn Việt Lâm tâm sự trên báo Tuyên Quang.

Hiện tại, Việt Lâm đang cung cấp cho thị trường chủ yếu các loại rau ăn lá phổ biến như: Rau cải canh, cải ngồng, cải ngọt và đang trồng thử nghiệm các giống rau mới chất lượng cao của Nhật Bản như cải đuôi phụng, dưa chuột bi. Lâm cho biết, hiện tại, rau đã vào được chuỗi cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và một ít ở thành phố Tuyên Quang.

Chàng trai nghỉ việc Sài Gòn về quê sống vì “cha mẹ là điều quý giá nhất”

Rời xa phố thị ồn ào bụi bặm, từ bỏ công việc lương cao để về quê3

Vĩnh Hưng trồng các loại hoa mà các thành viên trong gia đình yêu thích

Mai Huỳnh Vĩnh Hưng, 30 tuổi, chủ nhân hai bằng cử nhân chuyên ngành kế toán - kiểm toán và marketing, công việc tại Sài Gòn cũng khá ổn, cho đến khi thấy sức khỏe của cha mẹ ở quê nhà Bến Tre không tốt, anh nộp đơn nghỉ việc và về quê, tìm việc.

Sau hơn một năm đi làm thuê, anh ở nhà quản lý nhà sách giúp cha mẹ, mấy năm trở lại đây, anh kiêm thêm công việc nuôi, bán thú cưng như chó, mèo, chim. Đây vừa là sở thích, đồng thời là cách anh kiếm thêm thu nhập.

Hưng cho biết bản thân mình không quá hiểu biết về các giống cây nhưng biết cha mẹ thích cây cối, anh học hỏi để làm sao làm ra khu vườn cây cối tươi tốt tặng cha mẹ. Hưng tâm lý hỏi rõ các thành viên trong nhà ai thích hoa nào, anh sẽ trồng hoa đó.

Cha anh thích các loài có màu tím, vàng, đỏ. Mẹ thì rất thích hoa mười giờ. Bản thân anh thích những cây như huệ mưa (móng tay), thạch thảo nên trồng thật nhiều. Riêng chị hai thích hoa hồng từ nhỏ nên đầu tiên anh trồng thử 2, 3 gốc hồng, không ngờ sau đó hoa trĩu cành, nhìn đến mức ngẩn ngơ. Vườn rau, hoa đẹp như tranh ấy khiến gia đình anh ai cũng vui thích.

Hưng bộc bạch trên báo Thanh niên: “Tôi luôn an vui với quyết định trở về bên gia đình của mình. Chị em chúng tôi đều nghĩ, dù thành công đến đâu, giàu có đến đâu, chữ "hiếu" không tròn thì không thành người. Tôi chỉ muốn nhắn gửi với gia đình mình là con cảm ơn cha mẹ, cảm ơn chị hai. Câu nói thành lời không đủ để nói hết nỗi lòng và sự hạnh phúc của con. Trái tim chúng ta hiểu nhau, dành cho nhau là đủ".

T.N (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN