Chồng hà tiện, lương 40 triệu đồng vẫn tiếc chút nước mắm ăn thừa. Ảnh minh họa
Chúng tôi quen biết nhau qua một người bạn và kết hôn sau vài tháng tìm hiểu. Lúc đó tôi và anh cũng đã đều quá tuổi, cả hai bên gia đình đều giục giã nên chuyện cưới xin được xúc tiến rất nhanh chóng. Tôi thấy anh là người tử tế, công việc ổn định với mức lương 40 triệu đồng và cũng “ưng” mình nên gật đầu sau thời gian ngắn suy nghĩ.
Thế nhưng, từ ngày cưới, tôi chưa bao giờ có nổi một ngày nào sống vui vẻ, thoải mái, bởi càng ở cùng lâu tôi mới càng phát hiện ra bản tính keo kiệt, bủn xỉn đến mức hà tiện của chồng mình.
Mặc dù đã có căn hộ chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi nhưng anh lại biến cuộc sống của mình trở nên khổ sở, tù túng, thậm chí đói thiếu hơn cả những người có thu nhập chỉ bằng 1/8 anh. Khi cưới tôi về, anh nhất định không chịu chia sẻ với vợ về các khoản chi tiêu hàng ngày. Anh nói rằng, với mức lương 8 triệu của tôi là đủ tiêu pha, còn tiền lương của anh sẽ tiết kiệm để mua xe ô tô và dành dụm cho con. Chẳng có cách nào khác, tôi đành lẳng lặng cho qua để “yên nhà, yên cửa”.
Thế nhưng, từ khi sinh con thì số tiền lương của tôi không tài nào xoay sở được. Tôi nói với chồng thì anh “mặt nặng, mày nhẹ” nói rằng tôi hoang phí, không biết tính toán chi tiêu. Nhưng khi tôi làm căng vì lo cho con thì mỗi tháng anh mới đưa cho tôi… 2 triệu đồng.
Anh luôn giảng dạy cho tôi nghe về bài học tiết kiệm, nào là “làm ra tiền đã khó, biết chi tiêu còn khó hơn”, nào là “mình đã vất vả rồi thì phải chắt bóp để cho con sau này có “của ăn của để”. Tôi thực sự phát điên với những triết lý của anh, nhưng vì con mà nén cơn tức giận lại.
Người chồng hà tiện đến mức đáng sợ. Ảnh minh họa
Anh bảo, bây giờ có con, thêm nhiều thứ phải lo thì lại càng phải tìm cách để thắt chặt chi tiêu. Chuyện tắm giặt hay làm gì cũng phải tiết kiệm nước một cách triệt để, hầu như không lãng phí giọt nước nào. Nước vo gạo xong phải rửa rau, rửa rau xong dồn vào một cái thùng nhựa to trong nhà tắm đề xả toilet.
Đợt hè thời tiết nắng nóng đỉnh điểm thì tối đi ngủ cũng chỉ được mở 2 tiếng điều hòa, sau đó là phải tắt đi. Con nhỏ khó ngủ thì anh nói: “Trẻ con nằm điều hòa nhiều không tốt, rèn từ bé như này dần dần sẽ quen ngủ không cần máy lạnh”.
Từ khi lấy chồng, mang tiếng chồng làm nhiều tiền mà tôi cũng không mua được cho mình chiếc váy, đôi giày hay cái túi xách mới . Còn anh lại càng chẳng mua cho tôi được thứ gì, bất kể ngày lễ nào. Thậm chí, về quê ăn Tết anh nói chỉ biếu ông bà ngoại 1 triệu đồng. Tôi ngậm ngùi lấy tiền chi tiêu để đưa thêm 1 triệu nữa. Bởi nhà tôi mang tiếng là khá giả nhất, vậy mà không bằng một phần em trai tôi biếu bố mẹ.
Ngay cả đến con, suốt ngày anh cưng nựng “công chúa bé nhỏ của ba” mà anh cũng keo kiệt và tình toán đến đáng sợ. Tôi muốn cho con uống sữa ngoại thì anh nói “sữa ngoại đắt tiền nhưng chắc gì đã tốt, uống loại bình thường trong nước là được rồi”.
Thỉnh thoảng lắm tôi mới mua cho con bộ váy mới thì anh lại càu nhàu “trẻ con nhanh lớn, mua làm gì đồ đắt, để hỏi bác Thúy (chị gái anh) xem còn đồ của chị Bống không bác gửi cho”.
Cuối tuần, tôi muốn đổi bữa cho gia đình thì anh cũng khó chịu vì như thế sẽ tốn tiền. Với anh, chỉ cần quanh đi quẩn lại trứng tráng, thịt luộc, đậu rán, rau luộc, cá khô, muối vừng… nói chung là những món thanh đạm, rẻ tiền. Thậm chí, bữa nào ăn thừa chút nước mắm, anh cũng nằng nặc giữ lại để dành cho bữa sau.
Tôi cảm thấy chán nản và mệt mỏi vô cùng. Tại vì lúc trước không tìm hiểu kỹ nên bây giờ tôi mới phải chịu cảnh sống chung với một người đàn ông hà tiện, chi ly thế này. Tôi thấy ngột ngạt, không biết làm cách nào để vẫn giữ được gia đình mà có thể thay đổi bản tính của người đàn ông này?