Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:10
RSS

Quy định thu hồi xe cũ nát: Loay hoay khi thực hiện!

Thứ năm, 14/01/2021, 07:31 (GMT+7)

Mới đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đã có Văn bản 7442/BTNMT-TCMT, nhấn mạnh việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm trong 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa đề xuất này là điều không hề dễ dàng.

"Bỏ thì thương, vương thì tội"

Không khó để nhìn thấy những chiếc xe máy cũ nát không biển số, không đèn chiếu sáng, không đèn xin nhan, không gương... vẫn được sử dụng và lưu thông hàng ngày trên đường phố Hà Nội Điển hình tại đường Đê La Thành - con phố với nhiều xe ba gác, xe máy được trưng dụng để chở hàng. Hay ngay tại những vỉa hè sát chợ tạm khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy), xuất hiện hàng chục chiếc xe máy cũ nát, nhiều xe không còn màu sơn, tên hãng, đến biển số cũng quăn tít...

Quy định thu hồi xe cũ nát: Loay hoay khi thực hiện!
Không khó để thấy những chiếc xe máy cũ nát trên đường phố Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đề xuất đưa quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, các khâu đăng kiểm, kiểm tra định kỳ sẽ sàng lọc, dán tem đạt chuẩn khí thải, góp phần kiểm soát, hạn chế ảnh hưởng và ô nhiễm môi trường.

Anh Trịnh Văn Nam (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) bán gia cầm tại đây cho biết: "Tôi đi chở hàng nên mua xe máy cũ giá 3 triệu đồng, nếu mất cũng đỡ tiếc".

Khi được hỏi về đăng ký xe, anh Phan Văn Quyền, bán hàng tại chợ này nói: "Xe cũ làm gì có đăng ký. Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, tôi sẽ bỏ xe để đỡ bị nộp phạt".

Theo thống kê của Công an TP.Hà Nội, hiện trên địa bàn có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn trên 50 năm.

Thu hồi không dễ

"Cuộc chiến" làm sạch không khí từ kiểm soát khí thải phương tiện giao thông mới chỉ thật sự được triển khai đối với ôtô. Còn riêng đối với xe máy, gần như chưa có một chế tài thật sự nào để kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này dù thực tế cho thấy, đây là phương tiện giao thông chiếm đại đa số hiện nay ở Việt Nam.

Do đó, ngay khi Bộ TNMT đưa ra đề nghị, 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát đã nhận được nhiều ý kiến tán thành. Nhìn lại quá trình thu hồi xe máy cũ, bên cạnh những ý kiến đồng tình vẫn còn không ít lo ngại về tính khả thi cũng như khó khăn khi tiến hành.

Theo trung tá Vũ Văn Ngoại - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội), Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (ngày 22/5/2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nêu rõ, từ ngày 1/1/2018, môtô, xe gắn máy cũ sử dụng sẽ bị thu hồi song hiện chưa có quy định nào yêu cầu niên hạn sử dụng đối với môtô, xe gắn máy. Vì vậy, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi phương tiện.

Với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở TNMT Hà Nội đã đề xuất UBND TP.Hà Nội giao chủ trì chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố". Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, với khoảng 5.000 môtô, xe máy được đo kiểm khí thải. Tuy nhiên, đến nay chương trình này vẫn chưa được triển khai.

Do đó, muốn hiện thực hóa đề xuất của Bộ TNMT, theo đánh giá, đầu tiên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định cụ thể về thời hạn sử dụng hoặc gây ô nhiễm môi trường đến mức độ nào sẽ bị thu hồi.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng nữa là cần quy định cấp giấy chứng nhận khí thải cho môtô, xe máy để làm căn cứ cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định. 

Ánh Dương
Theo Đại Đoàn kết