Trường hợp bé 75 ngày tuổi ở Bắc Giang vừa qua là trường hợp điển hình.
Người nhà bé cho biết, cháu bé quấy khóc, khó chịu do bị nghẹt mũi nên gia đình đã dùng xilanh bơm nước muối sinh lý rửa mũi cho cháu. Tuy nhiên, khi đang vệ sinh mũi thì bé có dấu hiệu ngừng thở, tím tái toàn thân. Ngay lập tức cháu được người nhà hô hấp nhân tạo và đưa vào nhập viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu.
Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi bị Hội chứng xâm nhập do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản gây co thắt thanh, khí quản, khiến trẻ bị khó thở cấp tính và thiếu oxy trầm trọng. Cháu bé may mắn được cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Ảnh minh họa
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý dùng xi lanh để rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì bơm xi lanh có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý. Hơn nữa, các loại xi lanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, tổn thương niêm mạc mũi vốn đã mỏng, rất yếu và cực kỳ nhạy cảm với các tác động bên ngoài của trẻ.
Nếu vẫn muốn rửa mũi cho trẻ, cha mẹ nên dùng dụng cụ rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi và tránh gây viêm tai giữa. Thiết bị này được bán khá nhiều tại bệnh viện, hiệu thuốc uy tín, cha mẹ có thể mua về sử dụng.
Nếu sau 4-5 ngày đã rửa mũi mà các triệu chứng của trẻ không có dấu hiệu cải thiện, tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện để được bác sĩ điều trị phù hợp và kịp thời.
Trẻ có nguy cơ bị sang chấn tâm lý do cha mẹ rửa mũi sai cách. Ảnh minh họa
Lưu ý rằng việc hút mũi, rửa mũi trẻ với áp lực không chính xác hoặc mạnh quá có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Đầu xilanh nhọn và sắc cũng dễ gây chảy máu mũi, xước niêm mạc mũi của trẻ.
Nguy hiểm hơn, việc dùng dụng cụ rửa mũi không đảm bảo chính là nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hơn.
Theo các chuyên gia, nếu mũi đang bị viêm (ngạt mũi) mà bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối bị tắc sẽ xì ra hai bên tai, tồn đọng ở tai cộng với dịch mũi chảy ngược lên sẽ gây viêm tai giữa.
Đa số trẻ sợ hãi và khóc dữ dội khi bị bơm nước muối rửa mũi. Sợ hãi sẽ tạo thành phản ứng phòng vệ khiến trẻ căng cứng mình, không hợp tác hoặc gào thét sẽ dẫn đến sặc, nguy hiểm cho đường thở, thậm chí nhiều trẻ còn bị sang chấn tâm lý vì quá sợ hãi.