Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:04
RSS

Mắc hội chứng 'công chúa tóc mây', bé gái 8 tuổi tự nuốt tóc gây tắc ruột

Thứ tư, 13/01/2021, 10:09 (GMT+7)

Bé gái 8 tuổi được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, ói dịch xanh, vàng. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng 'công chúa tóc mây'.

Ngày 13/1, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bệnh nhi (bé gái 8 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) bị tắc ruột rất nguy hiểm do mắc hội chứng “công chúa tóc mây”. 

Theo người nhà bệnh nhi, trước đó bệnh nhi đau bụng từng cơn, ói dịch xanh, vàng nên người nhà đã đưa bé đến điều trị tại phòng khám tư, tuy nhiên triệu chứng càng tăng dần nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, qua thăm khám lâm sàng và siêu âm, chụp X-quang bụng bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột và phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm. 

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện có 1 búi tóc rất lớn ở đoạn ruột non làm tắc nghẽn đường ruột. Ê kíp phẫu thuật đã lấy búi tóc ra ngoài thành công, bệnh nhi may mắn khi chưa có hiện tượng thủng ruột. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt. 

Mắc hội chứng công chúa tóc mây, bé gái 8 tuổi tự nuốt tóc mình và tóc người khác

Các bác sĩ lấy ra búi tóc lớn trong ruột bệnh nhi. Ảnh: Vietnamnet

Trao đổi với Dân trí, Bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhi mắc phải hội chứng Rapunzel (hội chứng “công chúa tóc mây”).

Người mắc hội chứng trên thường có biểu hiện ăn chính tóc của mình, hoặc tóc của người khác, khiến cho tóc bị rối và mắc kẹt trong dạ dày, ruột lâu ngày gây tắc, thủng ruột. Bệnh nhân bị mắc hội chứng thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy… 

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân hội chứng “công chúa tóc mây” vẫn chưa được xác định. Theo bác sĩ Hiền, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức hoặc có thể là do thiếu sắt hay mắc bệnh celiac. 

Bệnh được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và cần được điều trị tâm lý, bổ sung vi chất để ngăn ngừa việc ăn tóc xảy ra. Nếu gia đình có trẻ mắc hội chứng trên, phụ huynh phải tham gia điều trị cùng bác sĩ để bệnh nhi được hỗ trợ, đồng thời cải thiện hành vi ăn tóc và tinh thần cho trẻ. 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại