Quận Nam Từ Liêm là quận có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Ảnh Gia đinh.net
Cụ thể, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23/2 của thành phố Hà Nội, theo báo cáo của lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận hiện có 11.172 người nước ngoài sinh sống, trong đó có 9.127 người Hàn Quốc. “Trong đó tạm trú dài hạn là 8.166 người, ngắn hạn là 961 người. Họ sống rải rác ở 10 phường, nhưng tập trung chủ yếu ở phường Mỹ Đình 1 (3.173 người) và phường Mễ Trì (4.364 người)”, đại diện quận Nam Từ Liêm nói.
Theo đại diện quận Nam Từ Liêm, quận đã chỉ đạo rà soát những người nước ngoài trên địa bàn, theo dõi, tuyên truyền để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm bệnh sẽ thực hiện khám, cho cách ly, báo Tiền phong cho biết.
Một trong các địa bàn cũng có nhiều người Hàn Quốc sinh sống là Thanh Xuân. Theo báo cáo của UBND quận, hiện trên địa bàn quận hiện có 1.600 người Hàn Quốc, tập trung chủ yếu ở khu Royal City (1.200 người). Phường Nhân Chính có 200 người, phường Thanh Xuân Trung có 200 người.
Theo Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, mật độ người Hàn Quốc ở khu Royal City là rất dày, đặc biệt có một số người mới sang sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Chúng tôi đã thành lập 3 tổ công tác tại 3 phường này, có lãnh đạo quận chỉ đạo, thực hiện các biện pháp rà soát, tuyên truyền, kết hợp có phiên dịch, hướng dẫn các quy định của thành phố, của Việt Nam để phòng, chống dịch”, ông Lưu nói.
Cũng theo ông Lưu, số người Nhật trên địa bàn quận khoảng 160 người, trong đó khoảng 130 người ở Royal City, còn lại cũng ở phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung. Những người này chủ yếu thuê chung cư, sang làm việc theo mô hình doanh nghiệp, sang du lịch, nghỉ ngơi… “Chúng tôi đang tập trung phân loại, đặc biệt chú ý đến người sau Tết Nguyên đán trở lại Việt Nam”, ông Lưu nói.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, số người nước ngoài cư trú trên địa bàn quận là 5.177 người, trong đó chủ yếu là người Hàn Quốc với 3.150 người. Người Nhật có 197, Trung Quốc có 185 người, Singapore có 7 người. Người nước ngoài chủ yếu ở khu chung cư như Gold mark City, khu Ngoại giao đoàn, khu Thành phố giao lưu, khu đô thị Tây Hồ Tây. Quận cũng đã in tờ rơi bằng 3 thứ tiếng Anh, Hàn, Trung dán, phát ở các địa bàn này.
Quận đã chủ động liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc nằm trên địa bàn quận để nắm số liệu công dân Hàn Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là đi từ vùng có dịch ở Hàn Quốc về Việt Nam để có biện pháp phòng, chống Covid-19.
Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, số công dân nước ngoài cư trú trên địa bàn quận có 5.876 người với 27 quốc tịch khác nhau. Trong đó, người Hàn Quốc có 3.064 người, Nhật Bản có 916 người, Trung Quốc có 409 người, Singapore có 32 người… cư trú tại 243 cơ sở lưu trú, khách sạn, chung cư, nhà nghỉ.\
Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã tiến hành tổng rà soát người nước ngoài trên địa bàn, sàng lọc những người nhập cảnh trong thời gian 14 ngày trở lại đây. Theo đó, trên địa bàn quận có khoảng hơn 2500 người Nhật, 1.068 người Hàn Quốc, 57 người Trung Quốc, 34 người Singapore.
Quận Hà Đông cho biết, có khoảng 1.500 người nước ngoài đang cư trú, học tập tại quận. Tuy nhiên, thời điểm này, qua số liệu tổng hợp chỉ có khoảng 210 người nước ngoài đang có mặt tại quận, còn lại các trường hợp khác đang đi công tác, hoặc có sự biến động.
“Trong 210 người nước ngoài hiện có mặt tại quận, có 130 người Trung Quốc. Ngày 21/2, thống kê có khoảng 28 người Hàn Quốc. Hiện họ tập trung chính ở khu Park City (phường La Khê), khu Huyndai (phường Hà Cầu), làng Việt kiều Châu Âu (phường Mộ Lao)”, đại diện UBND quận Hà Đông nói.
Quận Đống Đa cũng có khoảng gần 1.800 người nước ngoài trên địa bàn, trong đó có khoảng 347 người Nhật, 121 người Trung Quốc, 43 người Đài Loan, 89 người đến từ Hàn Quốc. “Tất cả người nước ngoài này đang được giao cho UBND phường thực hiện công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng. Nếu phát hiện có nghi nhiễm sẽ thực hiện cách ly”, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong báo cáo.
Quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện có 11.003 khách lưu trú trên địa bàn, trong đó có 45 người Trung Quốc, 444 khách Hàn Quốc đang ở 47 cơ sở lưu trú, 79 người Hàn Quốc đang làm việc trên địa bàn. Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, thứ bảy hàng tuần, tại số 2 Ngõ Chạm, thường có lễ của người theo đạo Tin lành Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát tất cả người Hàn Quốc trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói.
Với quận Hai Bà Trưng, theo báo cáo, có 2.691 người nước ngoài trên địa bàn quận, trong đó người Nhật có 700 người, Trung Quốc có 96 người, Hàn Quốc có 166 người. Còn lại là người Nga và một số quốc gia khác.
Khu vực cách ly đặc biệt tại Hà Nội.
Ngày 24/2, Văn phòng UBND thành phố đã ra thông báo số 180/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19).
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy và hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo của UBND thành phố về phòng chống dịch bệnh do Covid-19.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp, rà soát các sinh viên, người dân tại các khu chung cư, người dân sinh sống, lưu trú trên địa bàn có khả năng phiên dịch các thứ tiếng nước ngoài: tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Nhật, Pháp tham gia công tác tuyên truyền để người nước ngoài đồng thuận, hiểu được cách phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra (chủ động khai báo lịch trình đã đi/đến các nước có dịch bệnh trước khi đi/đến Hà Nội, tự giác cách ly đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng).
Tuyên truyền vận động, giải thích, hướng dẫn những công dân Việt Nam và người nước ngoài, công dân (chuyên gia, công nhân, khách du lịch, sinh viên, học sinh) đi/đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông -Trung Quốc, Singapore, Ý, Pháp thời gian đến Hà Nội từ ngày 18/2/2020 đến nay nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, phải chủ động thông báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Bộ Y tế khi có dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi…
UBND thành phố giao cho Công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với Ban quản lý các tòa nhà, khu chung cư, tổ dân phố rà soát đến từng người dân, hộ gia đình có người dân hoặc người nước ngoài đã đi/đến từ 2 tỉnh, thành phố là Daegu và Bắc Gyeongsang - Hàn Quốc phải thông báo cho cơ quan chức năng trên địa bàn; hướng dẫn người dân chủ động khai báo về thời gian, lịch trình di chuyển, tiếp xúc gần với người thân, cộng đồng, chủ động cách ly, giám sát, theo dõi; kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cho học sinh đi học vào ngày 2/3 tới. Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp thực phẩm kịp thời, đầy đủ khi có dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố.
UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm yêu cầu Ban quản lý các tòa nhà, chung cư trên địa bàn phải có dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại thang máy và có hướng dẫn để người dân biết, sử dụng khi ra/vào thang máy. Chỉ đạo công an và phòng văn hóa tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người, hạn chế tại các nơi vui chơi, giải trí như: quán bar, vũ trường…
Riêng Sở Y tế, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cập nhật phác đồ, quy trình điều trị của 16 trường hợp dương tính với Covid-19 ở Việt Nam để tuyên truyền, hướng dẫn tới các cơ sở y tế trong toàn ngành sẵn sàng áp dụng điều trị khi có bệnh nhân nhiễm vi rút Covid-19. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới để hướng dẫn toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng trong ngành áp dụng điều trị khi có người bị nhiễm dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, diễn tập xử trí các tình huống khi có dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tập huấn cách ly tại cộng đồng, trạm y tế xã, phường, thị trấn, bệnh viện huyện, bệnh viện thành phố, bệnh viện dã chiến.