Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:26
RSS

Quán cơm chỉ 1.000 đồng

Thứ năm, 09/03/2017, 11:56 (GMT+7)

Có nhiều điều độc đáo tại quán cơm từ thiện giá chỉ... 1 ngàn đầu tiên tại Đà Nẵng, do một doanh nhân lập ra, nhưng anh không muốn tên tuổi xuất hiện trên báo.

Từ những cơn đói thắt lòng thời còn ngồi trên giảng đường đại học, chàng sinh viên quê Long An đã nuôi ý tưởng sẽ mở một quán cơm từ thiện, để chia sẻ bớt nỗi lo toan cơm áo với những người nghèo. Và một ngọn nến nhân ái đã được thắp lên, với sức lan tỏa ngày một lớn, nhân lên những ngọn nến khác trong cộng đồng, lung linh, ấm áp tình người.

Những cơn đói thời sinh viên...

Hơn 2 tháng nay, khu vực nhà số 8 Đỗ Ngọc Du (Đà Nẵng) nhộn nhịp hẳn lên với việc khai trương quán cơm… 1 ngàn đồng dành cho những lao động nghèo. Hỏi sao lại là 1 ngàn mà không phải 2 ngàn hay nhiều ngàn khác như nhiều địa phương khác? Ông chủ quán chỉ tay vào tấm băng rôn phía trước: “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi”, nên 1 ngàn cũng là quá nhiều…

Quán cơm 1 ngàn dành cho lao động nghèo ở Đà Nẵng

Quán cơm mở cửa từ 11h đến 13h mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Mỗi ngày, quán phục vụ từ 100 - 120 suất cơm cho đủ các thành phần từ người bán vé số, ve chai, phụ hồ cho đến công nhân, học sinh nghèo… trên địa bàn.

Chủ quán là một người đàn ông 34 tuổi, kiên quyết không cho biết tên thật và nghề nghiệp, bảo “chỉ cần viết bí danh N.H.P là được” kể về lý do thành lập quám cơm 1 ngàn: “Thời sinh viên, tôi từ Long An lên trọ học ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Hồi đó nhà tôi nghèo đến mức nhiều lúc không còn tiền để ăn cơm hàng ngày dù đã tiết kiệm hết sức.

Tôi và các bạn cùng phòng vẫn còn nhớ cảm giác có lần biết tin có một quán cơm từ thiện nhưng ở xa quá, tận bên Thủ Đức nên không thể đi ăn được dù bụng rất đói. Từ lúc đó, tôi đã mơ ước làm sao có những quán cơm từ thiện như thế ở khắp nơi để những sinh viên nghèo như chúng tôi không phải lo chuyện ăn uống mà chuyên tâm học hành. Và ý tưởng sau này có điều kiện sẽ mở một quán cơm từ thiện của tôi cũng manh nha từ thời gian đó”.

Quê Long An, học ở TP.Hồ Chí Minh nhưng sao lại mở quán cơm ở tận Đà Nẵng? N.H.P cười cười: “Đơn giản vì tôi có duyên gặp và lấy vợ người Đà Nẵng và chọn Đà Nẵng để lập nghiệp”.

Anh kể hồi mới cưới vợ xong thì xin được chân nhân viên trong một công ty ở Đà Nẵng. “Nhớ mãi lần mượn chiếc xe Dream cũ của bố vợ đi làm. Đến trưa đang về thì xe hết xăng mà trong túi không còn một đồng lẻ. Những tưởng phải dắt bộ mười mấy cây số về nhà nhưng vừa đi một đoạn thì có một dì đến bảo tôi đi mua xăng và trả tiền giúp tôi.

Sau lần ấy, ý nghĩ về một quán cơm thiện nguyện cũng như sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn quanh mình nếu có điều kiện trong tôi lại trỗi dậy và mạnh mẽ hơn cả hồi còn sinh viên”.

Cứu tinh của người nghèo

Rồi trời cũng không phụ lòng người. Cũng đến lúc anh N.H.P ăn nên làm ra, có của ăn của để và việc mở quán cơm thiện nguyện. “Đầu tiên là địa bàn. Tôi quan sát thấy, khu vực quanh đường Đỗ Ngọc Du (quận Thanh Khê) tập trung khá nhiều lao động nghèo kiếm sống nên đây là địa điểm lý tưởng để mở quán cơm. Nhưng mặt bằng ở đâu?

Sau một thời gian khá dài mò mẫm thì may mắn, một người dân sống trong khi vực là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ biết ý định mở quán cơm giúp người nghèo của tôi nên đã gợi ý cho tôi thuê căn nhà của mình tại số 8 đường Đỗ Ngọc Du với giá rẻ”.

Bà Lệ kể: “Biết cậu N.H P. có ý định làm từ thiện, tôi và ông nhà bàn tính cho cậu ấy thuê tầng 1 căn nhà hai tầng chúng tôi đang ở để làm nơi nấu nướng, đặt bàn ghế bán cơm”. Căn nhà thế này người ta cho thuê cũng phải 6 - 7 triệu/tháng nhưng tôi chỉ cho thuê với giá 3 triệu đồng/ tháng, để muốn tiếp sức cho anh P.

Từ ngày có quán cơm 1.000, nỗi lo về bữa cơm của những người lao động nghèo quanh khu vực được giảm đi đáng kể. Chị Trương Thị Kim Ánh (39 tuổi) từ Thăng Bình (Quảng Nam) lặn lội ra Đà Nẵng bán vé số nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Để tiết kiệm chi phí, chị ngủ lại đại lí vé số chứ không thuê trọ ở.

Từ khi quán cơm 1.000 mở, hầu như trưa nào chị cũng ghé lại ăn cho tiết kiệm. “Mỗi ngày bán nhiều nhất cũng lời chừng 100 nghìn đồng. Nếu không có quán cơm 1 ngàn này thì mỗi buổi trưa tôi cũng phải tốn ít nhất 15 nghìn đồng để ăn cơm, gấp 15 lần giá ở đây”, lời chị Ánh.

Còn với cụ bà Nguyễn Thị Mạnh, dù đã 74 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đạp xe từ khu chung cư Phước Lý sau bến xe trung tâm thành phố đi khắp các ngả đường hỏi mua ve chai kiếm lời nuôi con gái bị bệnh tâm thần. Cứ mỗi trưa, bà tranh thủ đến quán sớm giúp quét tước, kê ghế rồi mới ăn cơm.

Bà chia sẻ: “Cơm ở đây ngon lắm. Bữa mô cũng có một món mặn, món rau và món canh. Thực đơn thì thay đổi liên tục, ngon rứa mà chỉ bán 1.000 đồng một suất. Người ta có nhiều tiền thì trả nhiều. Tôi không có tiền trả nhiều nên chỉ có thể giúp quét dọn, kê ghế, lau chén để cảm ơn”.

Mà cách mua bán ở quán cơm này cũng lạ lắm. Mọi người đến đây gọi cơm, ăn xong thì tự giác bỏ tiền vào chiếc thùng đặt ở một góc của quán. Người có ít thì bỏ 1.000 đồng theo đúng giá niêm yết, người có nhiều thì 2.000 đồng, 5.000 đồng tùy tâm.

Cũng có những nhà hảo tâm, thỉnh thoảng đưa cả gia đình đến ăn rồi trả gấp 100 lần giá niêm yết. Ngạc nhiên là số tiền thu về không được quay vòng để tái đầu tư mà được anh N.H.P cho chuyển đến Hội nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin Đà Nẵng để giúp đỡ các nạn nhân bị chất độc da cam ở đây. “Điều này có nghĩa rằng ăn một đĩa cơm là bạn đã đóng góp một phần công sức ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam của thành phố Đà Nẵng”, lời N.H.P.

Hai nguyện vọng lớn

Thời buổi cơm thua gạo kém, cơm bán rẻ như cho lại còn mang hết đi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam thì lấy vốn từ đâu để kinh doanh? Trong khi mỗi ngày, không tính gạo, ga, gia vị mua đầu tháng, riêng tiền đi chợ không thôi đã hơn 400 nghìn đồng. N.H.P cười giải thích: “Công ty tôi có một quỹ chung gọi là Quỹ Công đoàn. Cứ mỗi tháng, mỗi nhân viên của công ty sẽ đóng góp 2% lương cơ bản vào quỹ ấy. Số còn lại được trừ thẳng vào lương của tôi”.

Những suất cơm 1 ngàn đồng làm ấm lòng những lao động nghèo giữa cuộc sống bon chen... 

“Cứ mỗi tháng, chúng tôi bỏ ra từ 25 - 30 triệu đồng vào việc kinh doanh của quán cơm. Trong đó, riêng của tôi là 8 - 10 triệu/ tháng. Để có được quán cơm 1.000 đồng này, sự động viên, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của các đồng nghiệp, bạn bè dành cho tôi cũng rất lớn. Một mình tôi không thể nào làm được.

Ngay cả hai chị cấp dưỡng là Trần Thị Kim Phượng (49 tuổi) và Trần Thị Thương (58 tuổi) cũng tình nguyện về giúp quán và chỉ nhận tiền công 100 nghìn/ ngày sau khi nghỉ làm công việc cũ với mức lương… 7 triệu đồng/ người/ tháng...”.

Hôm rồi tâm sự với chúng tôi khi vãn khách, N.H.P đời anh có hai nguyện vọng lớn. Nguyện vọng thứ nhất là thành lập quán cơm từ thiện và giờ đã thực hiện được. Còn tâm nguyện thứ hai là hiện N.H.P đang nhờ một số lãnh đạo, cán bộ công an bên quận, thành phố giúp đỡ về mặt học viên để anh có thể mở một trung tâm đào tạo việc làm cho những người đã từng “vào tù ra tội” với lý do: Thánh nhân nào cũng có một quá khứ và tội đồ nào cũng có một tương lai. Những người vì lí do nào đó đã từng mắc sai lầm, khi ra tù, họ rất muốn hòa nhập với cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Nhưng con đường hoàn lương của họ đôi khi gặp nhiều gian nan bởi phần đông xã hội có cái nhìn không tốt về họ. “Ban đầu, tôi sẽ dạy những nghề đơn giản như vệ sĩ, bảo vệ. Dần dà, có điều kiện, tôi sẽ mời những người có kinh nghiệm về dạy những nghề như lái xe, nghề hàn, tiện, điện…”, N.H. P cam kết.

“Nếu làm được 10 đồng, tôi sẽ trích ra 5 đồng để tái đầu tư tạo ra công ăn việc làm cho người dân, tạo ra an sinh xã hội; 4 đồng để giúp đỡ người nghèo khó và 1 đồng để lo cho bản thân và gia đình”, N.H.P làm chúng tôi bất ngờ thêm lần nữa với khẳng định chắc nịch lúc chia tay...

 


Theo Đời sống Plus