Cược cả gia tài để làm giàu
Người “tỷ phú nông dân” đó là ông Hà Tấn Tâm (53 tuổi, ở địa phương thường gọi là ông Hai Việt, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Ông là điển hình cho những người nông dân biết vận dụng sáng tạo, đi đầu trong áp dụng phương pháp mới, tránh được tối đa rủi ro trong cả chăn nuôi lẫn trồng trọt.
Tuy nhiên, khi nhắc đến ông Tâm thành công rực rỡ trong nông nghiệp hôm nay, ít người biết ông từng có những năm tháng thất bại liên tiếp. Thậm chí, để là người khai phá những phương pháp mới, ông Tâm từng phải dùng cả gia tài của mình để đánh cược và đã có không ít lần thất bại khiến ông “tán gia bại sản”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có hai anh em, ông Tâm phải nghỉ học sớm đi làm thuê phụ cha mẹ nuôi em gái đi học. Khi tuổi cha mẹ đã cao, ông được giao cho hai công đất vườn. Suốt nhiều năm trời ông lo cho gia đình chưa xong bữa sáng đã phải nghĩ làm sao có được bữa chiều.
Nông dân miền Tây Nam Bộ nói chung, ông Tâm nói riêng luôn phải đối mặt với thời tiết xấu, khi thì nắng nóng khô hạn kéo dài, khi thì mưa tầm tã, ảnh hưởng rất nhiều đến việc trồng trọt, mất mùa là chuyện thường. Gia đình ông Tâm luôn phải chịu cảnh chạy ăn từng bữa.
Ông Tâm bên vựa trái cây trồng theo kỹ thuật mới của mình. Ảnh nhân vật cung cấp
Vì cha mẹ và em nhỏ, ông Tâm quyết tâm thoát khỏi hai công vườn và chuyển sang nuôi cá tra. Ông liều lĩnh đào cả hai công vườn, hùn vốn nuôi cá, nhưng ông đã thất bại ngay từ lần đầu tiên. Do thiếu kinh nghiệm, cá bị bệnh chết hàng loạt.
Thua lỗ nặng nề, ông vẫn không từ bỏ ý định, tiếp tục liều lĩnh đi vay ngân hàng và thế chấp cả căn nhà của gia đình để lấy tiền làm lại từ đầu. Hiểu được nuôi cá tra phải có kiến thức cơ bản, ông tìm những lớp huấn luyện cho nông dân để học hỏi thêm.
“Gia đình tôi khi ấy phản đối dữ dội, họ cho rằng tôi quá liều khi bắt đầu cái việc mà nơi đây chưa ai làm. Thế nhưng tôi không muốn cha mẹ và em gái chịu thiệt thòi, bữa no bữa đói, kiểu gì tôi cũng phải thay đổi chứ không thể trông vào hai công đất vườn như trước được. Tôi xin phép cha mẹ cầm cố ngôi nhà để lấy tiền.
Sau lần đầu tiên thất bại, cha mẹ tôi đương nhiên không chấp nhận, van nài tôi từ bỏ ý định. Sau nhiều ngày, tôi cũng thuyết phục được cha mẹ. Và vụ nuôi cá tra thứ hai, tôi đã thành công”, ông Tâm không dấu được niềm vui kể lại.
Vụ thứ hai này, ông thu hoạch được 150 tấn, mang về cho mình lợi nhuận lên đến 500 triệu đồng. Có thêm vốn liếng để phát triển, ông mua và thuê thêm đất để đào ao, hiện nay diện tích ao nuôi của ông là 5ha. Sau 5 năm tập trung nuôi cá, thấy tình hình không thể chỉ trông chờ vào nuôi cá, ông chuyển sang hợp tác nuôi cá cho công ty. Ông chỉ phải lo chi phí con giống, thuốc, còn công ty cung cấp thức ăn.
Từ đó, ông không còn phải lo đầu ra mà chỉ tập trung nuôi đúng kỹ thuật. Tuy lợi nhuận thu về ít hơn, nhưng so với tình cảnh chung của những hộ nuôi cá tra bị vỡ nợ, thì ông vẫn được coi là thành công. Những năm sau đó, ông làm thêm dịch vụ vận chuyển thủy sản. Nhờ công việc này, ông thu về “sơ sơ” khoảng 200 triệu đồng/tháng nhờ tổng cộng 15 chiếc ghe chở hàng đi khắp các tỉnh.
Thành công luôn đi cùng chông gai
Sau nhiều năm nuôi cá, thu về lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, ông Tâm đã trả được hết nợ, lấy về ngôi nhà của cha mẹ. Cũng chính lúc này, ông lại nhớ đến mong muốn của cha mẹ là phát triển đất để trồng cây. Trồng cây ăn trái vốn là nghề truyền thống vùng đất Ô Môn nơi ông sinh ra và gắn bó từ nhỏ.
Bằng số vốn tự có, ông mua 8ha đất để trồng cam xoàn, cam sành và nhãn. Chuyển sang trồng cây, ông lại phải “nếm mùi thất bại” chỉ vì muốn thay đổi. Ông trồng những loại cây lạ, mới như nhãn da bò, xoài cát chu, nhưng cũng vì không có kinh nghiệm nên toàn bộ vườn bị bệnh, giá cá lên xuống thất thường.
Ông Tâm chia sẻ: “Những năm trước đó, tôi tập trung nuôi cá và định rằng sẽ gắn bó luôn với nghề nuôi cá. Nhưng về sau thị trường cá tra không còn được như trước, người dân nuôi cá tra đều chung cảnh vỡ nợ. Thêm lời động viên của cha mẹ, tôi mới quyết định lấp một phần ao cá và mua thêm đất để trồng cây ăn quả. Những năm đầu trồng cây, tôi bị lỗ nặng, tôi lại đi học hỏi, tìm hiểu những phương pháp, kỹ thuật mới, và đã trồng được những vườn cây ăn trái với hiệu quả rất cao”.
Ông Tâm cho biết, phải đến 3-4 năm sau khi ông áp dụng những kỹ thuật mới được học hỏi từ nhiều nơi, ông mới trồng được những vườn trái cây xanh tốt, sai trĩu cam và nhãn. Theo ông Tâm, với phương pháp trồng truyền thống, cây trồng bị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mà thời tiết nơi đây khi nắng nóng, hạn hán, khi thì mưa gió kéo dài, khiến hiệu quả thu về lại là một sự may rủi.
Ông Tâm bên bằng khen được chủ tịch nước trao tặng
Khi ông áp dụng khoa học kỹ thuật, trái cây mùa khô có thể ra được vào mùa mưa, và ngược lại, không những không lo bị sâu bệnh, bị thời tiết phá hỏng, mà còn thu về lợi nhuận cao khi bán ra những loại trái cây trái mùa. Hiện nay, mỗi năm vườn nhãn của ông đạt năng suất 35-40 tấn/ha, ông bán với giá khoảng 35.000/kg. Như vậy, trung bình trên 1ha nhãn, ông thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, ông Tâm còn hướng đến tiêu chí an toàn. Ông mở rộng diện tích để trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn của VietGAP, tức là có thể vừa phục vụ người tiêu dùng trong nước, vừa có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Mỗi tháng, thương lái tìm đến để thu mua trái cây thương hiệu ông Tâm với giá cao, vì vườn trái cây của ông vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Cũng nhờ những vườn trái cây và ao cá của ông Tâm, ông đã tạo công ăn việc làm cho 60-70 lao động trong và ngoài vùng. Ngoài ra, khi đã có của ăn của để, ông còn tích cực tham gia hỗ trợ dân bằng việc làm đường và xây nhà tình thương cho các hộ nghèo, đóng góp một phần không nhỏ cho kinh tế địa phương.
Năm 2015, ông Tâm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho những đóng góp của mình. Tuy nhiên, ông Tâm vẫn luôn khiêm tốn khi nói đến những thành công của mình:
“Tôi cho rằng mình vẫn luôn cần phải học hỏi, tìm tòi những phương pháp khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, bởi chỉ có những phương pháp mới mới giúp người nông dân bớt nghèo, bớt khổ. Đặc biệt là với những thanh niên trẻ khởi, tôi luôn dốc sức hỗ trợ và hướng dẫn, và không quên nhắc nhở họ cần nhân rộng những phương pháp mới để ai cũng biết đến, ai cũng có thể áp dụng”, ông Tâm cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Nhựt (Phó Chủ tịch phường Thới An) cho biết, trước đây gia đình ông Tâm thuộc diện nghèo khó trong vùng. Ông Tâm là người đầu tiên đem mô hình nuôi cá tra theo kỹ thuật mới về địa phương, là nông dân tiên tiến điển hình.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia phong trào phát triển nông thôn mới, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo bằng việc xây nhà tình thương, nâng cấp cầu đường cho bà con.