Thứ ba, 16/04/2024 | 10:20
RSS

Phun xăm tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm

Thứ sáu, 09/10/2020, 12:16 (GMT+7)

Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim chạy trên da nhằm đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Do đó, nó tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao.

Phun xăm tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm

Mới đây, VTV News đưa tin về trường hợp của chị N.L.P. (trú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải nhập viện điều trị do bị dị ứng mực xăm chân mày.

Theo lời kể chị P., do thiếu tự tin vì khuôn mặt có hàng lông mày không ra dáng, chị đã tìm đến cơ sở phun, xăm để làm đẹp. Sau khi về nhà, hai bên lông mày chị P. bắt đầu sưng tấy, đau nhức nhưng nghĩ đó là hiện tượng bình thường sau khi hết thuốc tê. 

Tuy nhiên, càng ngày chân mày chị P. càng sưng, còn có dấu hiệu bưng mủ, đau rát. Việc này khiến chị P. vô cùng hoảng sợ nên đã đi khám. Tại cơ sở y tế, sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán chị P. bị dị ứng với mực xăm, kèm thêm hiện tượng nhiễm trùng. Sau một thời gian uống thuốc và điều trị, tình trạng sức khỏe của chị P. đã ổn định.

Trên thực tế, không chỉ chị P. mà ngày càng có nhiều chị em lựa chọn làm đẹp bằng cách phun, xăm, bởi đây là phương pháp làm đẹp đơn giản để khắc phục những nhược điểm trên khuôn mặt, chi phí lại hợp lý và dễ thực hiện. 

Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim chạy trên da nhằm đưa một lượng chất tạo màu (mực) vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay có 2 cách thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm bằng máy khá phổ biến.

Trao đổi với báo Lao động, ThS. BS Trần Nguyễn Ánh Tú - Phó trưởng Khoa Thẩm Mỹ da (Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, phun xăm thực chất là biện pháp dùng kim chạy trên da nhằm đưa một lượng chất tạo màu (mực) vào sâu dưới lớp thượng bì của da. 

Theo bác sĩ Tú, việc phun xăm thẩm mỹ ẩn chứa rất nhiều rủi ro, nguy cơ tai biến. Do nơi cơ sở thẩm mĩ thực hiện không đảm bảo vô trùng khi làm cho bệnh nhân, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể:

Phản ứng với chất xăm: 

Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Phản ứng xảy ra gây ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề. Phản ứng có thể xảy ra sớm nhưng thường xảy ra sau vài tuần lễ hoặc hàng năm. Biểu hiện có thể là phản ứng dạng liken. Đôi khi phản ứng lan rộng ngoài vùng xăm gây eczema, viêm da tiếp xúc hoặc nặng hơn là viêm da tróc vảy.

Chỗ xăm bị nhiễm trùng: 

Nhiễm trùng thông thường do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu làm cho nơi xăm bị viêm mủ. Đôi khi nghiêm trọng hơn làm cho nhiễm trùng sâu gây viêm quầng, hoại thư, nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng loại này ngày nay ít gặp do sử dụng các dụng cụ sạch và sử dụng kháng sinh sớm. Y học đã gặp một số trường hợp bị mắc.

Các bệnh truyền nhiễm: 

Giang mai, bệnh phong, lao do xăm với các thương tổn bệnh xuất hiện ngay tại nơi xăm. Ngày nay, xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn là viêm gan virus B & C, HIV. Các bệnh do virus khác như đậu mùa và hạt cơm, u mềm lây cũng có thể lây do xăm trổ.

Ngoài ra còn một số bệnh liken phẳng, vảy nến, có báo cáo trường hợp u hắc tố ác tính xảy ra tại nơi xăm nhưng cũng có thể do sự trùng hợp mà không phải do xăm gây nên.

Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, bác sĩ Tú khuyến cáo người dân khi phun xăm, người dân nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín và chất lượng, đồng thời yêu cầu nhân viên thay kim mới, khử trùng dụng cụ trước khi tiến hành phun, xăm… Nếu sau khi phun, xăm có biểu hiện khác thường thì cần tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN