Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:24
RSS

Phát hiện Siêu Trái Đất mới nhất chỉ cách chúng ta 6 năm ánh sáng

Thứ ba, 15/01/2019, 09:29 (GMT+7)

Hành tinh này có khối lượng gấp 3,2 lần Trái Đất và được cho là có tiềm năng chứa sự sống ngoài hành tinh.

Mới đây, trong phát biểu tại diễn đàn thường niên của Hội Thiên văn học Mỹ - AAS vào đầu tháng 1/2019 tại Seattle, bang Washington, các nhà thiên văn học Mỹ cung cấp thông tin mới nhất liên quan đến sự sống ngoài hành tinh. Họ cho biết, một Siêu Trái Đất khổng lồ cách chúng ta chỉ 6 năm ánh sáng và có tiềm năng ẩn chứa sự sống ngoài Trái Đất.

Phát hiện Siêu Trái Đất mới nhất chỉ cách chúng ta 6 năm ánh sáng
Cận cảnh hành tinh Barnard b.

Các nhà thiên văn học gọi Siêu Trái Đất này là Barnard b (hay GJ 699 b), nó có khối lượng gấp 3,2 lần Trái Đất. Hành tinh vừa được phát hiện này quay quanh ngôi sao chủ Barnard - một ngôi sao lùn đỏ. Với khoảng cách ngắn này, Barnard được xem là hệ sao gần thứ hai nhất so với Trái Đất trong vũ trụ.

Siêu Trái Đất Barnard b mất 233 ngày để quay quanh ngôi sao chủ Barnard của nó, ở một khoảng cách bằng khoảng cách của sao Thủy so với Mặt Trời của chúng ta.

Theo nghiên cứu ban đầu, sao Barnard hay GJ 699 có khối lượng rất nhẹ chỉ bằng 1/7 Mặt Trời và phát ra năng lượng bằng 2% Mặt Trời. Hành tinh Barnard b cực kỳ lạnh giá, với mức nhiệt tương tự như mặt trăng Europa của sao Mộc, khoảng -150 độ C. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại mang đến một "tin vui" mới nhất, đó là, Barnard b có thể có lõi sắt/niken lớn, nóng và hoạt động địa nhiệt được tăng cường, cho phép sự sống phát triển.

Phát hiện Siêu Trái Đất mới nhất chỉ cách chúng ta 6 năm ánh sáng
Hình ảnh Siêu Trái Đất Barnard star b được chụp lại.

Barnard's star b thu hút nhiều sự chú ý bởi hành tinh này ở rất gần. Bản thân Barnard là ngôi sao đơn độc ở gần Mặt Trời nhất. Xét về khoảng cách, chỉ có hệ Alpha Centauri gồm ba ngôi sao ở gần hơn, trong đó có Proxima Centauri, sao lùn đỏ chỉ cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy Barnard's star b bằng phương pháp tính vận tốc xuyên tâm với độ chính xác 99,2%. Họ sử dụng hơn 700 quan sát về sao Barnard từ dữ liệu thu thập trong suốt 20 năm. Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh này không đi qua phía trước ngôi sao chủ từ điểm chúng ta quan sát. Họ dự định xem xét hành tinh kỹ hơn với kính viễn vọng không gian Hubble và James Webb trong tương lai.

Phát hiện Siêu Trái Đất mới nhất chỉ cách chúng ta 6 năm ánh sáng
Nhiều hành tinh quay xung quanh Barnard 

Trong khuôn khổ diễn đàn của AAS, nhà vật lý thiên văn học Edward Guinan cho biết: "Hệ thống địa nhiệt có thể hỗ trợ "các khu vực sống" dưới bề mặt của hành tinh Barnard b vốn lạnh giá, tương tự như việc chúng ta tìm thấy các hồ dưới đáy biển ở Nam Cực vậy.

Dù Siêu Trái Đất này có bề mặt lạnh giá nhưng hệ thống địa nhiệt (gồm lõi nóng, các ngọn núi lửa đang hoạt động, lỗ thông hơi...) sẽ đóng vai trò là lò sưởi, có thể làm tan băng dưới lòng đất thành nước lỏng, từ đó hỗ trợ sự sống phát triển."

Ngoài ra, ngôi sao chủ Barnard còn "già" gấp đôi tuổi của Mặt Trời (ngôi sao chủ của Hệ Mặt Trời chúng ta), cụ thể, sao Barnard khoảng 9 tỷ năm tuổi, trong khi Mặt Trời khoảng 4,6 tỷ năm tuổi. Điều này chứng tỏ, các hành tinh kiểu Trái Đất, Siêu Trái Đất tồn tại khắp thiên hà với con số lên đến hàng chục tỷ. Và việc Barnard "già" hơn Mặt Trời chứng minh rằng, vũ trụ đã tạo ra các hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất lâu hơn khoảng thời gian hình thành của Trái Đất cũng như Hệ Mặt Trời.

AAS hy vọng sẽ sớm quan sát tỉ mỉ được hệ sao cách Trái Đất 6 năm ánh sáng này, từ đó phục vụ cho các nghiên cứu tìm kiếm sự sống tại hành tinh Barnard b của nó.

Rose (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN