Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:17
RSS

Phát hiện sập đá cổ dưới ruộng ngô

Thứ hai, 13/07/2020, 21:40 (GMT+7)

Sập đá niên đại 300-400 năm, nặng gần 3 tấn được một nhóm trẻ chăn trâu phát hiện dưới chân ruộng ở tỉnh Ninh Bình.

Sự kiện:
Ninh Bình

Ngày 13/7, ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho biết, cổ vật đá vừa được đưa về trưng bày ở Bảo tàng tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của người dân.

“Để khai quật được hiện vật nặng gần 3 tấn từ dưới lòng đất, hàng chục lao động và máy cẩu tự hành phải làm việc gần một ngày”, ông Khang nói.

Theo ông Khang, khoảng cuối tháng 6, một nhóm trẻ chăn trâu bò ở xã Xích Thổ trong lúc chơi đùa đã tình cờ phát hiện một sập đá nằm dưới ruộng ngô nên trình báo chính quyền.

Sau đó Bảo tàng Ninh Bình đã cử đoàn về khảo sát, xác định đây là hiện vật quý nên tổ chức khai quật. Chiếc sập được đưa lên khỏi mặt đất trong sự trầm trồ của những người chứng kiến. Qua đo đạc và quan sát cho thấy, sập cổ được tạo tác từ đá xanh nguyên khối, kích thước dài 165 cm, rộng 128 cm, cao 53 cm, theo phong cách "chân quỳ dạ cá".

Trẻ chăn trâu phát hiện sập đá cổ dưới ruộng ngô
Chiếc sập đá cổ nặng gần 3 tấn. Ảnh: VnExpress

Mặt trên chiếc sập được mài nhẵn, bốn mặt hông chạm khắc nhiều hoa văn như rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu. Các đồ án rồng chầu có phong cách khỏe khoắn, thân mập, đuôi thẳng, lưng yên ngựa, mang đậm phong cách Mỹ thuật thời Hậu Lê. Ở bốn góc chân sập trang trí hình mặt linh thú cách điệu, nhiều giả thiết nhận định đây là mặt hổ phù.

Theo các nhà sử học đánh giá đây là sập đá cổ niên đại khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật. Phong cách tạo tác tổng thể cũng như hoa văn có nhiều nét giống các sập đá ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thông tin từ người dân địa phương, vị trí phát hiện chiếc sập xưa kia vốn thuộc xứ Đồng Tráng, đây là điểm tụ cư của hàng chục hộ gia đình và từng có ngôi đình Trại Ảnh.

Do làng nằm ngoại đê (bên tả dòng sông Bôi) thường xuyên bị lũ lụt, nên những năm 60 thế kỷ trước, dân làng lần lượt chuyển vào trong đê sinh sống (nay là thôn Lạc Long, xã Xích Thổ). Một số vật liệu kiến trúc ngôi đình Trại Ảnh đã được dỡ về xây dựng công trình trạm y tế xã.

Theo đó ông Khang nhận định, rất có thể đây là chiếc sập đá phục vụ lễ nghi tín ngưỡng trong đình Trại Ảnh còn sót lại và theo thời gian bị phù sa bồi lấp, đến nay mới được phát hiện.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN