Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:45
RSS

Phát hiện mới về đột biến chưa từng thấy của virus gây dịch Covid-19

Thứ ba, 21/04/2020, 08:56 (GMT+7)

Nghiên cứu mới của một trong những nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc phát hiện khả năng đột biến của virus gây dịch Covid-19 đã bị đánh giá thấp so với thực tế.

Phát hiện mới về đột biến chưa từng thấy của virus gây dịch Covid-19
Giáo sư Li Lanjuan phát hiện đột biến chưa từng có của virus gây dịch Covid-19 Ảnh: Xinhua.

Giáo sư Li Lanjuan và các đồng nghiệp ở Đại học Chiết Giang đã phát hiện trong một nhóm nhỏ bệnh nhân xuất hiện nhiều đột biến không được báo cáo trước đây. Những đột biến này bao gồm những thay đổi hiếm thấy đến nỗi các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có thể xảy ra.

Các nhà khoa học này cũng xác nhận lần đầu tiên với bằng chứng trong phòng thí nghiệm rằng một số đột biến nhất định có thể tạo ra những chủng chết người hơn những chủng khác, theo Tri thức trực tuyến. 

"Sars-CoV-2đã có các đột biến có khả năng thay đổi đáng kể mức độ gây bệnh", giáo sư Li và các đồng nghiệp viết trong một bài báo được công bố trên medRxiv.org hôm 19/4.

Nghiên cứu giáo sư Li cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy đột biến có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của virus gây bệnh hoặc mức độ gây hại tới vật chủ.

Bà Li thực hiện một cách tiếp cận khác thường để điều tra đột biến của virus. Nữ chuyên gia đã phân tích các chủng virus được phân lập từ 11 bệnh nhân covid-19 lựa chọn ngẫu nhiên từ thành phố Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang, và sau đó kiểm tra xem chúng có thể lây nhiễm và tiêu diệt tế bào như thế nào.

Các đột biến nguy hiểm nhất ở bệnh nhân Chiết Giang cũng đã được tìm thấy ở hầu hết bệnh nhân trên khắp châu Âu, trong khi các chủng nhẹ hơn được tìm thấy ở các vùng của Mỹ, như bang Washington, theo bài báo của nhóm nghiên cứu.

Một nghiên cứu khác trước đó đã phát hiện chủng virus ở New York đến từ châu Âu. Tỷ lệ tử vong ở New York cũng tương tự với nhiều nước ở lục địa già, thậm chí còn cao hơn.

Tuy nhiên, đột biến yếu hơn không có nghĩa là nguy cơ thấp hơn đối với người bệnh, theo nghiên cứu của giáo sư Li. Tại Chiết Giang, hai bệnh nhân ở độ tuổi 30 và 50 nhiễm virus corona chủng yếu hơn đã lâm bệnh nặng. Mặc dù cả hai đều sống sót, bệnh nhân lớn tuổi hơn đã phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.

Phát hiện này có thể làm sáng tỏ sự khác biệt về tỷ lệ tử vong mang tính khu vực. Tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ tử vong của đại dịch khác nhau từ nước này sang nước khác, và hiện cũng có một số lý giải.

Các nhà khoa học di truyền đã nhận thấy rằng những chủng virus ở những khu vực địa lý khác nhau vốn đã không giống nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tử vong khác nhau có thể một phần là do đột biến nhưng không có bằng chứng trực tiếp.

Vấn đề còn phức tạp hơn vì tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, tình trạng sức khỏe bệnh nền hoặc thậm chí nhóm máu.

Tại các bệnh viện, Covid-19 được chữa trị như một chứng bệnh và bệnh nhân được điều trị giống nhau bất kể chủng nào. Giáo sư Li và các đồng nghiệp cho rằng việc xác định đột biến trong một khu vực có thể giúp xác định cách chống lại virus.

Theo cập nhật từ Vnexpress, thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.470.410 ca nhiễm nCoV tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 169.595 người tử vong, tăng lần lượt 76.117 và 4.657 trường hợp so với một ngày trước.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 782.159 ca nhiễm, 41.872 ca tử vong do nCoV và 71.832 người đã hồi phục. Nhiều bang ở Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Hầu hết mọi người tuân thủ các biện pháp phong tỏa và ủng hộ những nhân viên y tế tuyến đầu đang phải gồng mình chống dịch với lượng bệnh nhân khổng lồ. 

Tuy nhiên, nhiều người dân ở một số bang đã xuống đường biểu tình đòi mở cửa, bất chấp quy định cách biệt cộng đồng vì đã chán nản khi phải ở trong nhà, cho rằng lệnh phong tỏa là vi phạm quyền tự do cá nhân, khiến họ mất việc.

"Phát triển thuốc và vắc-xin, trong khi đang diễn ra cấp bách, cần phải tính đến tác động của những đột biến tích lũy này để tránh những nguy hiểm tiềm tàng", các nhà khoa học này cho biết.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo tổng số người chết vì Covid-19 là 20.852, trong khi số ca nhiễm tăng thêm 4.266 trường hợp lên 200.210. Đây là mức tăng ca tử vong thấp nhất trong vòng một tháng qua tại Tây Ban Nha, cũng là lần đầu nước này báo cáo ít hơn 400 người chết mỗi ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

Giám đốc Trung tâm Điều phối Các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha Fernando Simon  cho rằng số ca nhiễm mới tiếp tục giảm dù ngày càng nhiều xét nghiệm được thực hiện, cho thấy bệnh dịch không lan rộng trong dân cư như dự đoán.

Italy báo cáo 2.256 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm lên 181.228. Nước này ghi nhận thêm 454 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 24.114.

Pháp ghi nhận thêm 3.585 ca nhiễm và 574 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 156.479 và 20.292. Lệnh cách biệt cộng đồng tại nước này sẽ kéo dài đến ngày 11/5. Chính phủ cho biết sẽ công bố kế hoạch gỡ phong tỏa trong vòng hai tuần và bắt đầu phổ biến chính sách trong những ngày tới.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC