Chủ nhật, 19/01/2025 | 18:33
RSS

Nước mắt người mẹ già và nỗi bất hạnh 'suốt ngày bị con đánh'

Chủ nhật, 17/03/2019, 11:14 (GMT+7)

Bà Nhưng chẳng nhớ đã bao lần bà bị con đuổi đánh. Có lần "hạ" được bà ngay giữa sân đứa con phấn khích cười khùng khục. Bị con đánh, bà Nhưng chẳng thấy đau ở thể xác mà chỉ thấy ruột gan như đang rỉ máu...

Hà Nam: Đôi vợ chồng có 3 người con tâm thần, nhiều lần bị vác dao
Nhà bà Nhưng nằm sâu bên trong con ngõ.

Những đứa con bỗng hóa điên dại

Người dân ở thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) bảo, dường như trên đời này tất cả mọi nỗi bất hạnh đều đổ hết vào gia đình ông Trác bà Nhưng. Sinh được 3 người con thì cả 3 bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần.

Nhà bà Nhưng nằm sâu trong con ngõ nhỏ hun hút và dường như tách biệt với thế giới ngoài. Ngôi nhà u buồn, cô quạnh với những người con điên dại đang sống, nơi đó chỉ toàn là nước mắt và nỗi đau.

Đứng ngoài cánh cổng sắt đã hoen gỉ, chúng tôi có thể nghe rõ những tiếng gào rú của các con bà Nhưng từ căn nhà nhỏ vọng ra. Người đàn bà tóc bạc phơ, dáng đi còng còng, bước đi như người vô hồn kéo lê cánh cổng mời chúng tôi vào nhà. Bên trong căn nhà ngói thủng lỗ chỗ, tài sản không có gì đáng giá ngoài cái ti vi cũ và mấy bao thóc.

Bà Nhưng năm nay mới ngoài 60 tuổi nhưng cái nghèo cái khó và nỗi bất hạnh của gia đình khiến bà héo hon, già nua. Bà Nhưng bảo, vợ chồng bà cũng từng có một mái ấm gia đình hạnh phúc.Thế nhưng "tai họa" từ đâu bất ngờ ập tới, những đứa con khỏe mạnh bỗng mắc bệnh rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. 

Hà Nam: Đôi vợ chồng có 3 người con tâm thần, nhiều lần bị vác dao
Chị Nguyệt, một trong những người con mắc bệnh tâm thần của bà Nhưng.

Quệt ngang hàng nước mặt đang chạy dàn dụa trên khuôn mặt khắc khổ, bà Nhưng kể: Vợ chồng bà sinh được 3 người con gái. Năm 1985 chị Nguyễn Thị Nguyệt, đứa con đầu lòng của vợ chồng bà chào đời trong sự hân hoan của cả hai bên gia đình nội ngoại.

Nguyệt phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến khi lên 8 tuổi bỗng nhiên có những biểu hiện khác lạ. Đưa con đi khám, vợ chồng bà Nhưng như chết lặng khi bác sỹ cho biết Nguyệt bị bệnh tâm thần. Dù gia đình đã vay mượn tiền, mang đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không hề có tiến triển gì.

“Bao nhiêu năm nay nó cứ thế, lúc nào cũng nói nhảm nhí. Nhiều lần lên cơn điên nó còn cầm dao đuổi đánh mẹ. Khi mẹ chạy ngã lăn ra đất thì nó lại đứng cười hềnh hệch”, vừa kể bà Nhưng vừa chỉ tay vào đứa con gái tâm thần đang nằm trên giường nhìn mẹ và khách nói chuyện rồi cười ngây dại.

Bà Nhưng nói rằng, bà chẳng nhớ đã bao lần bị con gái đánh. Cứ lên cơn là Nguyệt gào thét rồi đánh đập mẹ. Có lần thấy mẹ lạy lục, van xin Nguyệt còn phấn khích, cứ thế cười khùng khục như... vừa lập được chiến công. 

Niềm an ủi đến với vợ chồng bà Nhưng khi người con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Hằng (SN 1987) sinh ra và lớn lên hoàn toàn bình thường. Chị Hằng lấy chồng về làng bên. Sau khi lập gia định,  chị Hằng lần lượt sinh được 3 người con gồm 1 gái 2 trai.

Thế nhưng, đẻ đứa thứ nhất thì không sao, đến đứa thứ hai, chị Hằng bắt đầu có những biểu hiện khác lạ. Tuy nhiên, cũng tùy một số lúc, về cơ bản chị Hằng vẫn đi làm và chăm nuôi các con được.

Đến khi sinh đứa con thứ 3, chị Hằng đã có biểu hiện rõ của căn bệnh tâm thần giống như người chị gái của mình. Ban đầu chỉ là nói năng không bình thường, sau đó chị Hằng không còn làm chủ được hành vi. Và, đã 8 năm nay kể từ lúc phát bệnh, chị thường lang thang vạ vật, suốt ngày chửi bới.

"Có lần nhìn thấy con gái lang thang ngoài bờ đê, thấy nó nhặt miếng mít thối rữa lên ăn ngon lành, tôi chạy đến giằng vứt đi rồi bảo đi về nhà thì bị con mắng “tao làm gì mày mà mày bắt tao”. Khổ thân mấy đứa con nhà cái Hằng, chúng nhớ mẹ, mà sợ mẹ lắm”, bà Nhưng kể lại.

"Sao ông trời nỡ hành hạ gia đình tôi thế này..."

Hai người chị không may mắc bệnh, niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng bà Nhưng dồn cả vào người con gái út Nguyễn Thị Thắm (SN 1990). Khác với 2 người chị của mình, Thắm xinh đẹp lại học rất giỏi.

Thế nhưng một lần nữa trò đùa oan nghiệt của số phận vẫn không buông tha vợ chồng bà Nhưng. Sau khi lấy chồng và hạ sinh được 2 người con, chị Thắm cũng phát bệnh như 2 người chị gái của mình. Do lấy chồng ở cùng làng, nên vợ chồng bà Nhưng rất thường xuyên sang thăm con gái.

“Quanh năm ngày tháng nó cứ trùm chăn cười nói một mình, không nhận ra bố mẹ, gặp chúng tôi là mắng chửi. Có lần tôi nói “bố mẹ sinh ra con mà con lại mắng chửi bố mẹ thế là phải tội đấy” vừa nói dứt lời thì nó lại tiếp tục chửi rồi lại trùm chăn lại cười”, bà Nhưng nghẹn ngào kể.

Ông Nguyễn Văn Trác (SN 1954, chồng bà Nhưng) dù đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe ngày một kém nhưng vẫn gượng gắng kiếm sống. Hàng ngày ông Trác đi mò cua, bắt ốc từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về. Ngày nào không được tí cua, tí ốc nào là hôm đó vợ chồng ông bà cùng đứa con dại phải ăn cơm trắng.

Hà Nam: Đôi vợ chồng có 3 người con tâm thần, nhiều lần bị vác dao
Bà Nhưng cùng đứa cháu ngoại, con chị Hằng.

Nhìn lên mái ngói thủng lỗ chỗ của căn cấp 4, bà Nhưng nói: "Giá như có chút tiền để sửa sang lại thì tốt biết mấy. Nói thế thôi bây giờ bữa ăn còn đứt đoạn nói gì đến sửa nhà hả chú. Vợ chồng tôi ngày một già yếu, nếu chúng tôi có mệnh hệ gì không biết mấy đứa con sẽ sống ra sao đây".

Bây giờ bà Nhưng chẳng dám mong gì cho bản thân dù chính bà cũng đang mắc đủ thứ bệnh cần phải chạy chữa. Bà chỉ ước có giá có điều kiện thì có thể gửi các con vào Bệnh viện tâm thần điều trị. "Khổ nỗi gia cảnh nghèo, đưa vào bệnh viện cũng phải đóng 1 triệu đồng/người/tháng thì tôi không kiếm đâu ra được”, bà Nhưng chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi và bà Nhưng đứt đoạn khi chị Nguyệt bắt đầu lên cơn. Nguyệt cười nói lảm nhảm rồi ôm chăn màn ném tứ tung. Vội để đứa cháu xuống đất, bà Nhưng nhẹ nhàng đến dỗ con, Nguyệt lại lên giường nằm co quắc vào một góc.

"Các chú thấy đấy, con cái thế này nên lúc nào cũng phải trông. Hôm nay nó nghe lời đấy, chứ nhiều hôm là nó ra tay đánh mẹ ngay. Nhìn con điên dại ruột gan tôi đau như cắt, bị đánh tôi thấy đau lòng chứ đâu có đau thể xác. Chúng tôi đã làm sai điều gì mà ông trời nỡ hành hạ thế này cơ chứ", bà Nhưng khóc rống lên như đứa trẻ khi nhìn đứa con điên đang run lên từng chặp trên giường.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN