Sán lá gan sống rất nhiều trong cơ thể bệnh nhân là P.T.Đ (55 tuổi, Anh Sơn)
Bệnh nhân là P.T.Đ (55 tuổi, Anh Sơn) tới Bệnh viện khám trong tình trạng mệt mỏi, đầy bụng, đau đầu và đau ở vùng ngực, thắt lưng nhiều….Trước đó, Bà Đ chỉ nghĩ mình bị bệnh cảm nên đã mua thuốc về tự điều trị nhưng dấu hiệu đau nhức không hề thuyên giảm.
Với những dấu hiệu lâm sàng, Bác sĩ đã khám và chỉ định làm những chỉ định sâu hơn để chẩn đoán: Xét nghiệm phân, chụp X – Quang tim phổi, chụp X – Quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng…
Các kết quả cho thấy người bệnh mắc bệnh sán lá gan sinh sống trong cơ thể nhiều năm.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Bích Lan - Bệnh viện Hoàn Mỹ quốc tế Vinh cho biết, tác nhân gây bệnh sán lá gan lớn thường là từ động vật ăn cỏ, hoặc cũng có thể bị lây truyền qua trung gian là một số loài ốc nước ngọt (ốc họ Lymnaea). Người nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán…
Hình ảnh chụp sống lưng của bệnh nhân P.T.Đ nhiễm sán lá gan lớn
“Sán thường bám chặt vào đường mật để lấy thức ăn nên lâu ngày gan sẽ bị xơ hóa và thoái hóa mỡ với những biểu hiện như: Thiếu máu, vàng da, giai đoạn muộn là “cổ trướng”.
Trong quá trình phát triển, sán sẽ thải các độc tố gây nên tình trạng dị ứng (nổi mẩn hoặc phát ban toàn thân) và dấu hiệu các bệnh lý tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, đau ở vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón…" - bác sĩ Lan cho biết thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh sán lá gan, mọi người tuyệt đối không ăn cá và ốc chưa nấu chín dưới mọi hình thức (như gỏi nấu canh, chiên rán…); không ăn rau sống mọc dưới nước; không uống nước lã… Đặc biệt, khi gặp các triệu chứng trên, người dân nên đi khám và điều trị kịp thời.