Dạy và học Tin học ở lớp 3 tại Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đang diễn ra chủ động. Ảnh: NTCC
Với nhiều giải pháp tháo gỡ, các trường đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền được học cho học sinh ngay từ năm học bản lề.
Không để “khó bó khôn”
Tại Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội), việc triển khai dạy học môn Tin học, Tiếng Anh đang diễn ra thuận lợi với 3 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học đều trong biên chế. Vì vậy với môn Tiếng Anh, không chỉ học sinh khối 3 được học 4 tiết/tuần theo quy định mà các khối 1, 2, 4, 5 cũng học 2 tiết/tuần.
Đối với môn Tin học, khó khăn lớn nhất theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phi Nga, đó là sau 2 năm dịch covid-19 một số máy tính bị ẩm mốc, xuống cấp, hỏng hóc nên trường tạm thời khắc phục ghép 2 học sinh/máy khi thực hành. “Với điều kiện hiện nay, việc dạy học 2 môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc ở khối 3 và tự chọn đối ở khối 1, 2, 4, 5 thuận lợi và đảm bảo chất lượng...”, cô Nga bày tỏ tin tưởng.
Nằm ở thị trấn, điều kiện triển khai 2 môn Tiếng Anh, Tin học của Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) còn khó khăn nhưng cũng được tháo gỡ phù hợp từ năm đầu triển khai. Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng, cho biết, trường có 1 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học giảng dạy gần 800 học sinh ở điểm chính và 1/2 điểm lẻ. Để tận dụng tối đa đội ngũ, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý nhất.
Ở môn Tiếng Anh, học sinh lớp 3 được bố trí học đủ 100% với 4 tiết/tuần; học sinh lớp 4, 5 học 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, các tiết học của học sinh lớp 3, 4, 5 đều được ghép 3 lớp (cùng khối) và học trực tiếp tại hội trường với đủ phương tiện dạy học. Khối 1, 2 chưa triển khai dạy học Tiếng Anh tự chọn.
Đối với môn Tin học, 1 giáo viên đang đảm nhiệm tốt việc dạy học đủ số tiết, nội dung theo quy định cho học sinh khối 1 - 5 tại trường chính. Học sinh lớp 1, 2 tại 1/2 điểm trường lẻ cũng được học Ngoại ngữ, Tin học. Điểm lẻ còn lại trường tiếp tục tháo gỡ khi đủ nhân lực, vật lực.
Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai), công tác chuẩn bị các điều kiện dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ năm học bản lề diễn ra tương đối chủ động. Theo thầy Hiệu trưởng Liễu Tiến Sơn, cấp tiểu học, trường có 1 giáo viên Tin học, 2 giáo viên Tiếng Anh. Với số giáo viên hiện tại trường đang dạy học môn Tiếng Anh 4 tiết/tuần với khối 3; 2 tiết/tuần với khối 4, 5.
Là giáo viên Tin học Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), cô Lê Thị Yến cho biết thêm, trong điều kiện 3/7 điểm lẻ không có sóng điện thoại, điện lưới, nhưng vẫn phải triển khai dạy học môn Tin học, ban giám hiệu đã yêu cầu giáo viên dạy đủ, chắc phần lý thuyết. Phần thực hành ngoài 2 máy tính xách tay của trường còn huy động thêm của giáo viên mang tới các điểm lẻ cho học sinh thực hành kỹ năng cơ bản và trong dung lượng pin máy tính cho phép... |
Đối với khối 2, trường dự định triển khai ít nhất 1 tiết/tuần từ tháng 10. Học sinh lớp 1 cũng được học tiếng Anh trong năm học này. Với môn Tin học, 100% học sinh khối lớp 3, 4, 5 được học theo quy định. Khối 1, 2 sẽ triển khai sau khi phòng thực hành đáp ứng được yêu cầu.
Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), bước vào năm học bản lề triển khai 2 môn bắt buộc trong khó khăn chồng chất với 1 giáo viên Tiếng Anh (hợp đồng), 1 giáo viên Tin học (biên chế) nhưng phải đảm bảo dạy học cả điểm trường chính và 7 điểm lẻ; cơ sở vật chất hạn chế. Tuy nhiên, lấy đó là động lực, dựa trên điều kiện thực tế nhà trường đã tháo gỡ bằng cách bố trí thời khóa biểu linh hoạt nhất, tận dụng tối đa cơ sở vật chất để hỗ trợ học trò.
“Ở điểm trường chính, HS lớp 3 học 4 tiết/tuần môn Tiếng Anh; 1 tiết/tuần môn Tin học; còn với lớp 4, 5 học Tiếng Anh 2 tiết/tuần; Tin học 1 tiết/tuần. 7 điểm trường lẻ với hơn 50 học sinh lớp 3, trường sắp xếp lịch dạy theo tuần vào buổi chiều để giáo viên thuận tiện di chuyển và dạy cuốn chiếu theo từng điểm. Hiện tại, học sinh lớp 1, 2 tại cả điểm chính và lẻ chưa học Tiếng Anh, Tin học bởi dồn toàn bộ điều kiện cho khối 3 triển khai CT GDPT 2018”, thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng thông tin.
Cô Lê Thị Yến, giáo viên Tin học duy nhất của Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Bảo đảm quyền được học
Sau khai giảng 1 tháng, ghi nhận từ các nhà trường trong việc triển khai 2 môn học bắt buộc là Tiếng Anh, Tin học khá tích cực, chủ động vượt khó.
Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) nhìn nhận, ghép lớp khi dạy học Tiếng Anh dù số lượng học sinh đông, hiệu quả dạy học không cao bằng triển khai theo lớp, số lượng học sinh ít… Song trong bối cảnh thiếu giáo viên, thiết bị dạy học chưa được đầu tư đủ thì đây vẫn là giải pháp tối ưu. Bởi với học sinh vùng cao, học trực tiếp dù với bất cứ môn học nào, chứ không nói đặc thù như Tiếng Anh thì vẫn hiệu quả hơn học trực tuyến rất nhiều.
Tuy vậy, giải pháp đi kèm của trường là yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nỗ lực trong chuyên môn, sát sao đến khả năng tiếp thu của học sinh. Thậm chí tổ chuyên môn sẽ giám sát và hỗ trợ trong quá trình dạy học. Miễn sao các tiết học đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất…
Thầy Liễu Tiến Sơn bày tỏ: Vướng mắc lớn nhất trong dạy học Tiếng Anh, Tin học là đội ngũ giáo viên chưa kịp bổ sung đủ, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng yêu cầu. Do đó, để đảm bảo dạy học bắt buộc cho học sinh khối 3, tự chọn cho học sinh khối 4, 5 đòi hỏi sự nỗ lực của nhà trường, giáo viên.
Ba điểm trường lẻ của trường nằm sâu trong thôn chưa có mạng, cơ sở vật chất thiếu, ban giám hiệu đã tính tới phương án dạy học trực tuyến, giúp học sinh lớp 1, 2 tại các điểm lẻ không chậm hơn so với điểm chính và được làm quen với môn học sớm nhất. Trên nền tảng đó, khi bước vào lớp 3 và dồn về điểm chính, các em sẽ vững vàng hơn với học 2 môn học quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng đầu ra cho 2 môn Tiếng Anh, Tin học khi triển khai trong điều kiện khó khăn chắc chắn sẽ không thể đảm bảo như nơi điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. Chia sẻ điều này, thầy Lê Quang Tùng nhấn mạnh, tuy nhiên, không vì thế mà Trường Tiểu học Trung Lý buông lơi, hoặc thực hiện cho đủ. Ngoài đòi hỏi giáo viên trong chuyên môn, trường tiếp tục huy động đầu tư, hỗ trợ từ địa phương, xã hội hóa… để tăng cường các điều kiện dạy học cho học sinh thời gian tới. |