Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 6 cho đến nay với trên 140 ca bệnh được ghi nhận và điều trị tại cơ sở y tế. Trong đó, riêng 3 tuần đầu của tháng 9 đã ghi nhận gần 80 trường hợp, gấp gần 4 lần số ca mắc trung bình của 3 tháng trước đó.
Hiện, ổ dịch ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô đang có diễn biến phức tạp nhất với 48 ca bệnh và đang có xu hướng lây lan nhanh. Trước diễn biến phức tạp dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng, các biện pháp phòng chống đang tích cực triển khai, nhất là tại các địa phương đang có số ca mắc tăng cao.
Qua kiểm tra, giám sát trong cộng đồng, nhất là tại các khu vực nông thôn, người dân còn khá chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vẫn còn tình trạng để các dụng cụ chứa nước lâu ngày tại gốc cây, vườn là điều kiện cho muỗi vằn, loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Cũng theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh nhận định, với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, để khống chế dịch bệnh, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là điều quan trọng, nhưng chỉ có tính nhất thời. Điều căn bản là phải diệt loăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình và khu dân cư. Có như vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết mới hiệu quả.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần chủ động phòng chống, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ để muỗi không vào đẻ trứng; lật úp các dụng cụ không chứa nước; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Đặc biệt, khi sốt phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.