Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:25
RSS

Những trận đòn khủng khiếp từ gã chồng nát rượu và nỗi đau của người vợ phải ngủ ở chuồng lợn

Thứ ba, 21/05/2019, 10:35 (GMT+7)

Câu chuyện của người phụ nữ ở Hà Nam phải trốn ra ngủ với lợn vì chồng cứ say rượu là đánh đập dã man khiến nhiều người xót xa, thương cảm.

Chiều 20/5, Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB). Theo nhận định của các đại biểu, tác hại của rượu bia gây ra là rất khôn lường nhưng việc không bị kiểm soát loại đồ uống có cồn này còn lỏng lẻo, thậm chí trẻ em cũng dễ dàng mua được.

Theo Vietnamnet, câu chuyện của chị Đặng Thị C, 50 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam chia sẻ tại buổi toạ đàm dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia chiều 20/5 là một minh chứng hết sức sống động về thực trạng bạo hành gia đình do rượu bia.

Chị C kết hôn năm 23 tuổi với người chồng hơn 2 tuổi, sau đó sinh liên tiếp 3 cô con gái, đến năm 2010, sinh được cậu con trai. Ban đầu chồng chị tu trí làm ăn nhưng càng về sau, anh càng uống rượu nhiều, đặc biệt từ năm 2004 đến nay. Riêng 5 năm trở lại đây, ngày nào chồng chị cũng “súc miệng” 1 lít rượu trắng.

Mỗi khi uống say, chồng chị lại lôi chị ra đánh, thậm chí có tháng, ngày nào chị cũng bị đánh. Nhà bố mẹ đẻ không quá xa nhưng ông bà đều đã cao tuổi nên chị không dám chạy qua cầu cứu sợ ông bà lo, nên cứ ngày qua ngày cắn răng chịu đựng đòn roi.

Hà Nam: Phải trốn ra ngủ với lợn vì chồng cứ say rượu là đánh đập
Chị C. chia sẻ câu chuyện đau thương của mình. Ảnh: Vietnamnet

Ban đầu chị trốn vào bếp khoá cửa, vẫn bị chồng phá cửa tìm, nhiều đêm chị trốn ra ngủ ở chuồng lợn cũng vẫn bị chồng truy tìm lôi ra đánh. Vết cũ chưa lành, vết mới lại dồn dập, khắp người chị lúc nào cũng thâm tím, xước xát.

Có tháng, ngày nào chị C cũng bị đánh 4 lần phải vào viện. Lần bị nặng nhất vào năm 2014, chị C bị chồng ném thanh củi vào mặt và trúng một bên mắt phải vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc, đứt tuyến lệ. Sau 3 tháng điều trị ở Bệnh viện Mắt T.Ư tốn 120 triệu đồng, chị C bị mất thị lực hoàn toàn. “Tôi phải dắt díu các con ra đi với hai bàn tay trắng, trở về nhà bố mẹ đẻ để nương nhờ”- chị C buồn rầu nói.

Khảo sát ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho thấy: Xã có 7 thôn thì thôn nào cũng sản xuất rượu và bán rượu. Các quán bia bán tập trung ở đường quốc lộ - nơi có nhiều người qua lại. Đáng chú ý, ai cũng có thể mua được rượu, ngay cả trẻ con, bất kể ngày hay đêm.

Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, trong 5 năm (2014 – 2018), số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia khiến số người bị thương và chết tại xã Thanh Hải ngày càng gia tăng. Năm 2018 có 14 vụ TNGT làm 17 người bị thương, 2 người chết, báo KTĐT cho hay.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia góp mặt trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do TNGT, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN