Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:18
RSS

Những phận người 'nép' sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Thứ bảy, 09/01/2021, 10:29 (GMT+7)

Hà Nội đang bước vào những ngày giá lạnh, nhiệt độ ban đêm có lúc đến 8 độ C. Đó cũng chính là khoảng thời gian vất vả nhất với những người vô gia cư, những cửu vạn, công nhân thông cống, những người lái xe ôm,… Ngồi cùng họ, lắng nghe sâu hơn những nỗi niềm riêng mới thấu thêm cái đa đoan của cuộc đời khi ánh đèn thàn

20 năm làm người "vô gia cư"

2h sáng, trời Hà Nội lạnh buốt. Đã mặc đến 4 lớp áo nhưng cái lạnh của Hà Nội vẫn khiến chân tay của chúng tôi tê cứng. Lần theo tuyến phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng, chúng tôi không khó để có thể ghé thăm những ngôi nhà "ngàn sao" của những người vô gia cư.

Những "ngôi nhà" của người vô gia cư có thể chỉ là một góc của vỉa hè, một chiếc ghế đá trong công viên và cũng có thể là một vài mét vuông dưới gầm cầu. Dưới cái vỉa nhô ra tầm vài chục cm, chân cửa sổ của một ngôi nhà cao tầng là "căn nhà" của bà Nguyễn Thị Luân (63 tuổi, quê Xuân Phương, Hà Nội). Bà được cả cái xóm "tha phương" này coi là người có khá nhiều kinh nghiệm trong chuyện "dạt nhà".

Những phận người nép sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Bà Luân (áo cam) ngồi vật vã trong đêm giá rét Hà Nội.

Bà Luân kể cho chúng tôi nghe về lý do trở thành người vô gia cư: "Bố mẹ tôi mất sớm, chị em lớn lên lại mâu thuẫn, bất hòa. Là con gái, học hành chẳng đến đâu nên tôi phải ra đi kiếm kế sinh nhai". Bà Luân nghĩ "trời chẳng tiệt đường sống của ai bao giờ". Nhưng điều đó tuyệt nhiên không hề đúng với cuộc sống của bà.

Gần 20 năm qua, cuộc đời đã thử thách bà Luân quá nhiều khi đến tận thời điểm hiện tại bà vẫn không có nổi một căn nhà để che gió, che mưa. Gia đình không, người thân cũng chẳng còn nên bà quyết định đi xin giọt máu của người ta một cách tình nguyện những mong có chỗ dựa tuổi về già. Nhưng cuộc sống chưa giờ là dễ dàng với bà Luân, đứa con bà "đánh cược" để sinh ra khi đã 43 tuổi bị khuyết tật thần kinh bẩm sinh.

Nuốt vội miếng bánh bao của một nhà hảo tâm mang tặng, giọng bà nghẹn ứ đi, đôi mắt thâm quầng, nhăn nhúm ép ra những giọt nước mắt đặc quánh dưới ánh điện cao áp. Cuộc trò chuyện của chúng tôi như nén lại dăm phút, đứt đoạn rồi liền mạch như chính sự khổ đau mà người đàn bà này phải chịu đựng biết bao năm tháng qua: "Tôi đã hy vọng sinh được một đứa con khỏe mạnh để hai mẹ con cùng nương tựa vào nhau mà sống. Thế mà lúc đẻ ra nó lại bị bệnh giật động kinh. Tin dữ ấy ập đến với tôi như một vết dao đâm thẳng vào tim của một người mẹ đến mình cũng chẳng thể nuôi nổi mình, những ngày tháng tiếp theo tôi lấy gì chữa bệnh cho nó đây".

Những phận người nép sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Mấy đêm nay, bà Luân và các thành viên trong xóm "tha phương" đều không thể ngủ ngon giấc vì trời quá lạnh.

Đời bà Luân vốn đã khổ nay lại khổ hơn. Ban ngày, bà gửi con vào trung tâm dành cho người khuyết tật rồi đi nhặt ve chai khắp mọi nẻo đường của thành phố. Tối đến, hai mẹ con lại rồng rắn dắt nhau đi khắp thành phố để tìm chỗ nương náu. Cả chục năm qua, nguồn sống của hai mẹ con chính là những suất cơm, phần cháo của những người hảo tâm. "Khổ nhất là những ngày mưa gió, con gái lên cơn co giật, cháu tự cầm dao rồi đòi cắt hết chân tay cho đỡ đau. Làm mẹ mà nhìn thấy con như vậy mình nóng ruột, bỏng gan lắm".    

Nhưng cái khổ của bà Luân vẫn chưa dừng lại, đứa con vừa tròn 3 tuổi thì bà bị xe tông lúc đang đi nhặt ve chai. Không có tiền điều trị lại phải nằm một chỗ tĩnh dưỡng, khó khăn trăm bề. Bà kể: "Nếu ngày đó không có những người hảo tâm tận tình giúp đỡ thì có lẽ tôi cũng chết lâu rồi. Nhìn con nhỏ dại, bệnh tật vặt cỏ bên đường nhấm nháp mà tôi hối hận. Hối hận vì sao mình không ở một mình mà  sinh ra làm khổ con".

15  năm qua, Minh Ngọc vẫn ở cùng mẹ giữa một góc của Thủ đô hàng triệu dân. Chúng tôi hỏi: "Thế khổ thế sao bà lại không tìm đường mà về nhà?". Bà Luân không trả lời nhưng nhìn vào Minh Ngọc đang trùm kín chăn và khóc nức nở. Chúng tôi cũng không gặng hỏi bởi đó là điều sâu kín nhất của một đời người. Hẳn phải đau đớn, tủi nhục lắm họ mới không thể nói và cũng có thể quên đi sẽ khiến cuộc đời họ bằng phẳng hơn. 

"Chỉ cần được một lần ôm cha mẹ, tôi chết cũng an lòng!"

Khác với bà Luân, ước mơ chỉ một lần được cãi vã, ganh đua với anh em, bố mẹ là khao khát ròng rã trong gần 60 năm qua của bà Nguyễn Thị Thanh (69 tuổi). Bà Thanh đã lạc nhà từ năm lên 10. Và cũng kể từ đó đến nay, cuộc đời của bà là những ngày tháng rong ruổi, bon chen với những đánh cược của số phận.

Những phận người nép sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Bà Thanh ngồi khép nép trong một xó hiên trên phố Hàng Bài.

Khi chúng tôi hỏi bà về quê quán, người thân, bà Thanh đáp: "Tôi làm gì còn ai để nhớ đến nữa, nhà cũng chẳng biết ở đâu thì lấy đâu ra người thân. Mấy chục năm sống trong hoàn cảnh như vậy, tôi đã quá quen với cái nghèo, cái đói, mọi khó khăn đối với tôi giờ cũng chẳng là gì nữa. Nhiều lúc nhìn dòng người hối hả chạy qua rồi những phút giây đón giao thừa tôi lại ước mình có một gia đình để cùng chờ đến những khoảng khắc thiêng liêng ấy. Nhưng mà biết sao được, đấy cũng chỉ là ước mơ không thể thực hiện được suốt 60 năm qua".

Sống được ở "đầu đường xó chợ" cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng gì với những người như bà Thanh, bà Luân. Nhìn đôi bàn tay chai sần, nứt toác ra vì lạnh chúng tôi không khỏi xót xa. Thời còn trẻ, bà mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Có nhiều hôm về nhà lúc tối muộn, số ve chai nhặt được bị lũ trẻ vô gia cư cướp đi mà "chỉ biết ngồi gục xuống giữa cỏ mà khóc".

6 năm qua, do làm nhiều việc nặng, bị khớp không có tiền chữa nên đôi chân bà Thanh bị liệt hẳn. Bữa ăn hàng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào những người hảo tâm dành cho. Ban ngày, bị đuổi thì được người dân thương tình cho vào một góc nhà ở tạm. Đêm đến, bà phải lết chân đi kiếm chỗ ngủ. Những ngày hè oi bức hay những ngày Hà Nội buốt giá như vừa qua là những ngày cơ khổ với bà. 

Bà Thanh nghẹn ngào: "Tôi bất lực mà chẳng thể làm được gì, những ngày đấy còn có thể kiếm tiền còn bây giờ chỉ biết dựa vào người ta mà sống. Sống trong cảnh xin xỏ hết người này đến người kia tôi cũng khổ tâm lắm nhưng không làm như thế thì tôi cũng chẳng còn ngồi ở đây".

Những phận người nép sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Giấc ngủ chập chờn giữa nền gạch buốt lạnh sau ngày vật vã của những người vô gia cư như bà Luân, bà Thanh.

Đêm Hà Nội giá lạnh, cùng trên một mét vuông của đường phố lúc đêm về nhưng bà Thanh và bà Luân lại có hai cách nghĩ, cảnh ngộ khác nhau đến nghẹn lòng. Điểm chung gắn kết họ là cuộc sống "màn trời chiếu đất". Những ngày hội hay lễ Tết lẽ thường là những ngày vui nhưng với những người vô gia cư như bà Luân, bà Thanh thì lại là nỗi trăn trở khó nói: "Họ kéo nhau lên phố vui chơi thâu đêm thế là mình mất chỗ ngủ, mất đi cái bình yên thông thường". Thứ bình yên đặc quyền của những phận người nép mình dưới ánh điện thành phố.

Một đoàn từ thiện lại đến, 2h30 phút sáng, lần này là cháo nóng mà có cả thịt sườn. Gương mặt hai người phụ nữ như sáng quắc lên. Bà Thanh và bà Luân truyền kinh nghiệm: "Sau này có con không được đặt tên là Luân vì cả cuộc đời sẽ phải luân chuyển và bôn ba". Chúng tôi thầm nghĩ, con gái bà Luân có tên là Minh Ngọc nhưng cuộc đời cũng truân chuyên không khác gì mẹ. Thế mới hay, chẳng ai nói trước được sự đời!  

Chúng tôi tạm biệt hai bà và tiếp tục hành trình với "những phận người nép sau ánh điện thành phố".

Huy Hoàng
Theo GiadinhNet