Một trong số những nguyên nhân dẫn đến viêm màng não là thói quen ăn uống. Món ăn sống, tái chín chính là tác nhân khiến bệnh viêm màng não gia tăng.
Thức ăn tái sống chứa nhiều virus, vi khuẩn tấn công vào cơ thể chúng ta bằng nhiều con đường khác nhau, có thể là do các loại bệnh thông thường như viêm tai giữa, sổ mũi, ho… không chữa trị triệt để khiến vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào não theo đường máu gây ra viêm màng não.
Ngoài ra, vi khuẩn, virus còn đi vào theo đường ăn uống hàng ngày của chúng ta. Những loại thực phẩm có thể gây ra viêm màng não nguy hiểm như tiết canh, nem chạo, ốc sên, các món ăn sống… Đó là những loại thực phẩm chúng ta nên tránh xa và không nên ăn để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Tiết canh
Tiết canh là món ăn rất quen thuộc với người dân Việt Nam, tiết canh lợn, tiết canh vịt, tiết canh ngan là món ăn rất được ưa chuộng vào những ngày mùng 1 đầu tháng bởi nhiều người quan niệm ăn tiết canh đầu tháng sẽ gặp may cả tháng. Tuy nhiên, chúng ta không lường trước được những nguy hại ẩn sau tiết canh lợn, vịt, ngan chúng có thể gây ra liên cầu khuẩn, nguy hại nhất là viêm màng não.
Theo thống kê của Chương trình quản lý kháng sinh (AMS) – BV Bệnh Nhiệt đới trung ương thì có tới gần 70% số ca viêm màng não mủ trong năm 2014 là do liên cầu khuẩn lợn gây ra. Tiết canh lợn rất ngon, tuy nhiên trong tình trạng nuôi lợn toàn dùng chất cấm và chất phụ gia khi nấu chín lên còn không đảm bảo cho sức khỏe huống chi là sử dụng đồ sống.
Triệu chứng thường gặp khi mắc viêm màng não do ăn tiết canh có thể kể đến như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Khi nặng hơn có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy phủ tạng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Chính vì sự nguy hiểm như vậy cho nên các cơ quan y tế khuyến cáo mọi người không nên dùng tiết canh bởi nó vừa không hợp vệ sinh lại vừa là nguồn gây bệnh vô cùng nguy hiểm. Cùng nhắc nhở những người thân tránh xa tiết canh là tránh xa được 1 mầm bệnh gây viêm màng não.
Nem chạo là món ăn dân dã, thơm ngon của người Bắc, các quý ông đặc biệt thích món này bởi nó rất dễ ăn và lai rai vừa thưởng thức nem chạo và bia thì vô cùng ngon miệng.
Tuy nhiên, nem chạo lại được làm từ phần xương sụn lợn sống và một ít thịt tách ra từ xương sườn được băm nhỏ, bóp với thính làm từ gạo rang. Nem chạo được làm từ thịt lợn sống, mà thịt lợn sống hiện nay thì vô cùng không đảm bảo được về độ sạch để có thể thưởng thức những món làm từ thịt sống như nem chạo hay nem chua.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các bệnh liên cầu lợn, viêm não do giun xoắn, sán làm tổ trong não. Ở Việt Nam trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn, lòng, dồi, nem… Từ liên cầu khuẩn lợn sẽ dẫn tới viêm màng não mủ và những biến chứng vô cùng nguy hiểm như lú lẫn, động kinh, liệt….
Nếu gia định muốn ăn nem chạo hãy mua tai lợn, một ít thịt mỡ về làm sạch, luộc chín tai lợn và thịt. Sau khi thịt chín vớt ra cho vào nước lạnh rồi thái nhỏ trộn thính và một chút rau kinh giới vào. Làm như thế vừa ngon lành mà lại vừa đảm bảo cho sức khỏe của bạn và gia đình đấy, không nên sử dụng thịt sống để làm nem chạo để mang bệnh vào người.
Ốc sên là loại động vật bò sát tương đối bẩn. Tuy nhiên, nhiều người lại quá mù quáng, tin tưởng vào những cái “chữa bệnh”, “bổ khớp”, “đẹp da” mà sử dụng chúng bừa bãi, không đúng cách khiến công dụng chữa bệnh đâu chưa thấy mà nhiều người đã bị viêm não, viêm màng não, thậm chí tử vong vì ăn ốc sên.
Cho đến nay, vẫn chưa có ai nghiên cứu được ốc sên có công dụng, tác dụng gì với quá trình làm đẹp cũng như chăm sóc sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, nhiều người dân dùng ốc sên bởi nghe đồn ốc sên là thực phẩm có thể chữa bệnh, lại tốt cho khớp, trẻ hóa… Ốc sên là loại vật chủ trung gian của loài giun tròn, khi ăn phải sẽ gây bệnh cho con người.
Khi mọi người ăn các loại ốc nói chung và ốc bươu nói riêng khi chưa được làm chín sẽ dễ gây ra viêm màng não. Sau khi ăn, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như đau đầu, sốt và nôn ói. Các trường hợp này thường bị viêm màng não do một loại giun ký sinh ở phổi chuột.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng gần 70 – 100 trường hợp được phát hiện nhiễm giun này. Chính vì những nguy hiểm như vậy nên mọi người tuyệt đối không nên tin vào những thông tin không xác thực trên mạng mà ăn ốc sên sẽ gây hại cho sức khỏe của mình và người thân bởi biến chứng của nó rất nặng nề mà chúng ta không lường trước được.
Không nên ăn các thực phẩm sống chưa được chế biến kĩ càng bởi chúng chính là nguyên nhân gây viêm màng não do giun lươn. Các thực phẩm như cá sống, thịt sống, ốc sống cần được loại bỏ khỏi bữa ăn bởi chúng chứa nhiều tác nhân gây bệnh.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay, viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do giống Angiostrongylus (giun lươn) gây nên là một bệnh hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong cao. Đáng lo ngại, bệnh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Bệnh này đi vào cơ thể qua con đường ăn uống, giun đi vào não gây viêm màng não .
Triệu chứng của bệnh này thường là sốt, đau đầu dữ dội, kèm nôn, cứng gáy, co giật, liệt nhẹ, lác mắt… Bệnh này tiến triển rất nhanh khiến nguy cơ tử vong là vô cùng cao vì thế mọi người cần tránh sử dụng thực phẩm sống chưa chế biến kĩ như các món nem chua, nem chạo, gỏi cá sống để đảm bảo sức khỏe.
Các biện pháp phòng viêm màng não
Đề phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu một bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng thì cần đến cơ sở y tế ngay.
Việc phòng ngừa bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu tiên bị phơi nhiễm. Có thể dùng Ciprofloxacin 500 mg liều duy nhất hoặc Azithromycine 10 mg/kg (tối đa 500 mg) liều duy nhất. Sau 14 ngày, phòng ngừa bằng kháng sinh trở nên vô hiệu hoặc vô ích.
Các loại văcxin chỉ giúp phòng ngừa khoảng 85-90% trường hợp, chưa kể đến phức tạp trong chọn lựa các loại phân nhóm để sử dụng. Trong khi đang có dịch, việc chú ý đến các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng tỏ ra hữu hiệu để phòng ngừa lây gián tiếp.