Thứ ba, 19/03/2024 | 21:05
RSS

Chủ quan với triệu chứng cảm sốt ở trẻ, nhiều người trả giá đắt: Điếc, thiểu năng trí tuệ, tử vong

Thứ tư, 18/01/2017, 17:35 (GMT+7)

Sốt, đau đầu, nôn,… là những triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, sốt virut,… nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não.

Bệnh viêm màng não thường xảy ra trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, vào thời điểm chuyển giao mùa cũng thường xảy ra vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp. Đây là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

Các chuyên gia y tế cho biết đây là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động,…

Điều đáng nói là viêm màng não ở trẻ nhỏ biến chứng cực nhanh gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Có những loại viêm màng não có thể chữa khỏi chỉ trong vài ngày nhưng cũng có những loại cần chữa trị lâu dài và kịp thời mới có thể khỏi được.

Viêm màng não ở trẻ em do vu khuẩn Hib

Tiêm phòng là cách tốt nhất để dự phòng bệnh viêm màng não ở trẻ

Biểu hiện:

  • Sổ mũi, ho, sốt li bì sau đó có thể bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc, nôn, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng tuổi).
  • Một số trẻ có thể bị tiêu chảy kéo dài trong vài ngày không khỏi.
  • Sau 1 – 2 ngày nếu không được điều trị đúng cách trẻ sẽ bị  hôn mê, co giật.
  • Ở giai đoạn nặng viêm màng não ở trẻ em cũng thường để lại di chứng rất nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động…

Nguyên nhân:

  • Viêm màng não Hib là do vi khuẩn Hemophilus influenzae týp B (HIB) gây nên
  • Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua những tia nước bọt mà do chúng ta ho và hắt hơi bắn ra bên ngoài.
  • Ngoài ra đối với trẻ, chúng còn có thể lây qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường chơi hoặc cho vào miệng ngậm.
  • Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm màng não ở trẻ em do Hib nhất chính là các bạn nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh trong đó trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và ổn định.

Chú ý: Có nhiều trường hợp người bệnh mang vi khuẩn HIB mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nên dễ phát tán ra cộng đồng. Bởi vậy, khi thấy trẻ có một vài triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn nhiều nên khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Đây là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi cho nên các bố mẹ hãy để ý và cho trẻ đến bệnh viện kịp thời để chữa trị, hạn chế hết mức những di chứng nguy hiểm có thể đến với con mình.

Tiêm vắc xin Hib cho trẻ là cách tốt nhất để trẻ tránh xa được viêm màng não. Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do HIB bằng tiêm vaccin phối hợp phòng 5 bệnh (vaccin tổng hợp 5 trong 1): bạch hầu ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Bên cạnh đó việc tăng cường vệ sinh cho trẻ, làm sạch môi trường sống, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi cho trẻ để đẩy lùi bệnh viêm màng não ra xa trẻ hơn.

Viêm màng não ở trẻ em dạng mô cầu

Viêm màng não mô cầu do vi khuẩn gây bệnh viêm màng não là Neisseria Meningitidis gây ra.

Viêm màng não mô cầu do vi khuẩn gây bệnh viêm màng não là Neisseria Meningitidis gây ra

Nguyên nhân:

Bệnh viêm màng não mô cầu do các vi khuẩn  A, B, C, Y, W-135 gây ra. Bệnh  lây qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân.

Bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, những biến chứng của bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị đúng lúc, bệnh có thể để lại những di chứng về thần kinh. Bệnh ủ sau 5 – 7 ngày.

Biểu hiện:

  • Sốt cao 39 đến 40 độ C
  • Đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có thể bị co giật
  • Có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước

Chú ý: Cách phòng chống viêm màng não ở trẻ em tốt nhất là tiêm vắc xin để phòng viêm màng não mô cầu. Hiện nay, ở nước ta có vaccin phòng viêm màng não mô cầu týp A và C. Vắc xin phòng bệnh này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cho người lớn có nguy cơ bị bệnh cao.

Bệnh có tỉ lệ lây lan cao nên cần cách li trẻ với những trẻ em khác để tránh sự lây lan dễ bùng phát thành dịch bởi trẻ em sức đề kháng rất kém.

Viêm màng não ở trẻ em dạng phế cầu

Nguyên nhân:

  • Viêm màng não phế cầu do vi khuẩn phế cầu streptococcus pneumoniae gây nên. Những người hay mắc bệnh này phổ biến nhất là người lớn và trẻ em trên 6 tuổi – những độ tuổi đã có sức đề kháng tốt với bênh tật và những người có tiểu sử mắc bệnh  đái tháo đường, viêm tai giữa, viêm xoang, sau chấn thương hoặc vết thương sọ não…

Biểu hiện:

  • Sốt cao 39 đến 40 độ C và kéo dài dù cho uống thuốc hạ sốt cũng không đỡ.
  • Nhức đầu, buồn nôn
  • Đau mỏi các cơ, các khớp xương…
  • Nếu có nhiễm khuẩn huyết thì sốt cao dao động, có cơn rét run, sốc, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nước tiểu ít.
  • Với trẻ em thì có một số dấu hiệu đặc trưng như cứng gáy, trẻ em có “tư thế cò súng”, sợ ánh sáng và tiếng động.
  • Viêm màng não phế cầu có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể để lại di chứng suốt đời như tổn thương các dây thần kinh sọ não, áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não, tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận.
  • Di chứng sau khi viêm màng não mủ do phế cầu, nhất là trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu điều trị muộn.

Bệnh viêm màng não ở trẻ em có rất nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, chính vì vậy chúng ta cần có một lối sống lành mạnh hơn, không nên uống rượu bia quá nhiều và nên điều trị triệt để một số bệnh lí đơn giản, tránh gây biến chứng thành viêm màng não phế cầu sẽ dễ gây ra cho cơ thể những nguy hiểm không đáng có.

Quỳnh Anh (T/H)
Theo Đời sống Plus