Thứ hai, 25/11/2024 | 02:13
RSS

Những lợi ích của sốt đối với cơ thể - Có thể bạn chưa biết?

Thứ bảy, 17/08/2019, 17:09 (GMT+7)

Từ trước tới nay, các quan niệm đều cho rằng sốt gây hại cho sức khỏe. Nhưng ít ai biết rằng, bản thân việc sốt cũng mang lại những lợi ích nhất định cho cơ thể.

lợi ích của sốt

Bạn đã biết những lợi ích của sốt cho trẻ trong việc tăng cường sức đề kháng

Người bình thường có nhiệt độ cơ thể trung bình khoảng 36,5 độ C, nếu ngưỡng nhiệt vượt quá mức này trong một thời gian tương đối dài (không phải sau khi hoạt động mạnh) thì được gọi là sốt. Tuy khiến bản thân mệt mỏi nhưng sốt cũng giúp vai trò nâng cao sức đề kháng, khiến cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn sau đó. 

Sốt ở trẻ em có lợi cho sức khỏe

Theo các chuyên gia, sốt là cách cơ thể tự tiêu diệt bớt vi khuẩn gây bệnh. Nói một cách nôm na, khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể sẽ được nâng cao nhằm loại bỏ mầm bệnh. Báo cáo của Viện nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ còn khẳng định: “Trong năm đầu tiên kể từ khi sinh, trẻ bị sốt sẽ rất có lợi cho sức khỏe”. Theo đó, những em bé bị sốt trong thời gian này sẽ có hệ miễn dịch khỏe hơn, ít nguy cơ dị ứng hơn do cơ thể đã được tiếp xúc và có những hoạt động chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus từ rất sớm.

lợi ích của sốt

Trẻ bị sốt trong năm đầu tiên chào đời sẽ rất có lợi cho sức khỏe

Tất nhiên, những cơn sốt đầu đời này chỉ là thoáng qua và không được vượt ngưỡng 38,5 độ, không co giật hay có bất cứ biểu hiện bất thường nào kéo dài.

Cơ chế bảo vệ cơ thể của sốt khỏi virus khi bị sốt virus

Thông thường, virus đi vào cơ thể qua đường miệng hoặc thông qua mũi. May mắn thay, cơ thể chúng ta không ở đó “khoanh tay đứng nhìn” trước cuộc xâm chiếm của virus như vậy. Ngay khi một virus thâm nhập vào một tế bào, tế bào liền “thả” ra những hợp chất làm các mạch máu gần đó phồng lên. Máu chảy chậm lại, tập trung tại các khu vực bị nhiễm trùng. Việc này làm cho bạch cầu, vốn có trong máu, đi qua thành các mạch máu và tìm đến tế bào bị nhiễm virus. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện viêm do máu tích tụ ở nơi bị nhiễm trùng. Nó trở nên đỏ, nóng và đau. Nhưng đây là một dấu hiệu tốt.

lợi ích của sốt

Virus xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua đường hô hấp

Hiện tượng “viêm” đang xảy ra, đây là một cơ chế ra lệnh cho cơ thể tự bảo vệ. Tế bào đã bị nhiễm sẽ được vây quanh bởi hàng triệu bạch cầu, nhiều đến mức chặn luôn cả đường cấp oxy. Khi không thể “thở” được nữa, tế bào bắt đầu lên men và sản xuất carbon dioxide (CO2) và acid lactic. Điều này tạo ra một lượng acid trong các tế bào và ngăn không cho virus nhân lên nữa. Ngoài ra, quá trình lên men tạo ra rất nhiều nhiệt, tiêu diệt các virus. Tất nhiên, tế bào cũng chết. Khi tế bào chết, các huyết cầu chết theo và giải phóng một số chất làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây nên sốt. Nhiệt độ tăng cao sẽ diệt virus ở những nơi khác trong cơ thể.

Như vậy phản ứng chiến thuật của cơ thể là chiến thuật “một mũi tên trúng 2 đích”: làm tăng nhiệt độ khu vực tế bào bị nhiễm, và tăng nhiệt độ chung của cơ thể, đó là cơn sốt virus. Hai phản ứng này góp phần ngăn chặn sự lây nhiễm virus.

lợi ích của sốt

Bạch cầu (màu trắng trong ảnh) được ví như những chiến sĩ thầm lặng bảo vệ sức khỏe trong cơ thể

Sốt không phải là một bệnh lý

Nhiều người vẫn nhầm tưởng sốt là một bệnh, nhưng thực tế sốt không phải là chứng bệnh mà thường là dấu hiệu của những căn bệnh khác, trong đó đa phần là nhiễm khuẩn. Sốt thường kéo theo những triệu chứng khó chịu khác như nhức mỏi và “nóng lạnh”. Thường thì khi nhiệt độ càng tăng, bệnh nhân sẽ có cảm giác lạnh bên trong cơ thể cho đến khi nhiệt độ đã tăng tới mức tối đa thì cảm giác lạnh sẽ chấm dứt.

Theo thống kê, phần lớn nguyên nhân sốt là từ bệnh do siêu vi như cảm lạnh, cảm cúm. Một vài nguyên nhân khác do vi khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, nhiễm trùng đường tiểu. Đặc biệt, mọc răng không phải là nguyên nhân gây sốt. Hầu hết các cơn sốt siêu vi sẽ kéo dài khoảng hai đến ba ngày.

lợi ích của sốt

Sốt siêu vi thường là nguyên nhân chính gây các phản ứng sốt kéo dài ở trẻ

Theo các chuyên gia: “Sốt là một triệu chứng cảnh báo chung, vì vậy để phân biệt sốt do bệnh lý gì gây ra thì cần phải dựa trên các triệu chứng khác. Nói chung, nhiệt độ sốt cao, thấp không quyết định mức độ nặng, nhẹ của bệnh lý bé mắc phải mà chính là hành vi cư xử của trẻ mới nói lên được bé bị bệnh nặng hay không. Nếu trẻ sốt cao nhưng phản ứng vẫn linh hoạt, vui chơi bình thường thì bạn có thể tiếp tục theo dõi bé tại nhà. Ngược lại, nếu nhiệt độ sốt không cao nhưng bé lại mệt mỏi, quấy khóc khó chịu, hoặc lừ đừ thì bạn nên cho bé đi khám”.

Lời khuyên của các bác sĩ cho các mẹ trong trường hợp sốt ở trẻ em

  • Cho trẻ ăn thức ăn loãng hơn bình thường, nhẹ, dễ tiêu, giàu năng lượng.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nước trái cây pha loãng, hoặc dung dịch điện giải như oresol.
  • Hãy chắc chắn trẻ đang mặc quần áo mỏng: Cởi bớt và nới rộng quần áo.
  • Có thể sử dụng miếng dán hạ sốt khi thấy nhiệt độ cơ thể cao gây khó chịu cho trẻ
  • Giữ phòng của trẻ luôn thông thoáng, mát mẻ không có gió lùa, không để quạt thẳng vào người trẻ ngay cả khi trời rất nóng. Nếu dùng điều hoà nhiệt độ chỉ nên để nhiệt độ ở khoảng 28-30 độ.

 

Hải Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN