Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:21
RSS

7 Điều cần biết khi trẻ sốt cao co giật

Thứ tư, 28/08/2019, 10:21 (GMT+7)

Bố mẹ thường hoảng loạn khi trẻ bị sốt cao dẫn tới co giật. Thực tế việc co giật do sốt cao là lành tính và biết cách sơ cứu kịp thời sẽ không để lại nguy hiểm cho trẻ.

sốt cao co giật

Những điều bố mẹ cần biết khi trẻ bị sốt cao co giật

Các tổn thương do sốt cao co giật nếu có đa phần do trẻ vô tình bị chấn thương trong lúc co giật mà nguyên nhân chủ yếu do không được sơ cứu đúng cách. Nhiều bố mẹ còn vắt chanh vào miệng trẻ, cho đũa, cho thìa vào miệng vì sợ bé cắn phải lưỡi, những quan điểm này đều hết sức sai lầm và gây hại cho con. Dưới đây là 7 điều bố mẹ cần biết khi trẻ bị sốt cao co giật để bảo vệ sức khỏe bé yêu.

1. Sốt cao co giật là gì?

Co giật xuất hiện do tăng thân nhiệt > 37.8 độ C ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi. Từ 3-5% trẻ trong độ tuổi trên bị co giật do sốt. Từ 6 tuổi trở đi trẻ sẽ không còn nguy cơ bị co giật khi sốt.

Khi co giật trẻ có thể có các biểu hiện như:

  • Co cứng chân tay, run người
  • Nôn ói, tiểu tiện không tự chủ
  • Mặt mũi tím tái
  • Sùi bọt mép

Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ, thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt. 

2. Trẻ không bị sốt cao có thể bị co giật không?

Có thể. Nhưng vì thông thường tình trạng co giật sẽ xuất hiện khi trẻ sốt cao từ 39ºC trở lên, mặc dù cơ chế gây bệnh vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, sự thay đổi đột ngột về thân nhiệt là nguyên nhân gây co giật chứ không phải do ngưỡng nhiệt độ sốt. Bởi não bộ trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện nên rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, chỉ một kích thích nhỏ cũng có thể khiến cơn co giật khởi phát.

Hầu hết các cơn co giật do sốt xuất hiện trong thời gian trẻ nhiễm các siêu vi khuẩn, virus, viêm tai giữa… làm thân nhiệt trẻ tăng nhanh. Ngoài ra, nếu có một thành viên trong gia đình bị sốt cao co giật, trẻ sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này hơn là những trẻ khác.

Một số bệnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng hô hấp dưới, bệnh sốt rét có thể gây ra co giật cho trẻ, nhưng trong những trường hợp này, cơn co giật không liên quan đến sốt.

sốt cao co giật

Trẻ thường bị co giật khi thân nhiệt đột ngột tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn

3. Co giật do sốt có nguy hiểm tới tính mạng không?

Không. Mặc dù co giật do sốt gây hoảng loạn cho cha mẹ nhưng hầu hết đều là sốt cao co giật lành tính không gây ra nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong lúc co giật. Tỷ lệ tử vong của trẻ có co giật do sốt (1 cơn và kéo dài không quá 15 phút) không khác tỷ lệ tử vong của các trẻ bị sốt mà không co giật cùng lứa tuổi.

4. Co giật do sốt có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ không?

Không! Việc trẻ bị co giật do sốt hoàn toàn lành tính và không gây ảnh hưởng gì tới sự phát triển bình thường của trẻ. Trước kia khi trẻ bị sốt cao co giật đơn thuần bố mẹ thường lo lắng quá mức và yêu cầu làm điện não đồ sau sốt, nhưng thực tế việc này hoàn toàn vô ích và tốn kém không cần thiết. Do vậy khi trẻ bị sốt cao co giật bố mẹ chỉ cần lưu ý biểu hiện lâm sàng của trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ và chăm sóc trẻ đúng cách là được. Tránh việc lạm dụng những xét nghiệm không phù hợp vừa tốn kém vừa không mang lại hiệu quả.

sốt cao co giật

Co giật do sốt thường không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ

5. Phải làm gì khi trẻ bị co giật?

Điều quan trọng nhất là bố mẹ giữ bình tĩnh và quan sát co giật của trẻ trong những giây đầu tiên phát hiện, nếu nhận thấy tình trạng co giật do sốt thì xử lý như sau:

  • Để trẻ nằm ở nơi rộng rãi, thoáng khí. Nới bớt khăn quấn, quần áo, bỏ bớt mũ, găng tay, tất chân để hạ sốt cho trẻ.
  • Hạ nhiệt độ trong phòng xuống từ 2-3 độ. Lưu ý không hạ thấp nhiệt độ đột ngột tránh gây sốc cho trẻ
  • Tuyệt đối không ôm ghì trẻ, không lắc người trẻ, không bế ẵm trẻ khi đang co giật, không nhét bất kỳ thứ gì vào mồm trẻ kể cả khăn hay ngón tay vì có thể làm nghẹt đường thở gây nguy hiểm cho trẻ, người lớn không đứng vây quanh cướp hết oxy của trẻ
  • Theo dõi thời gian co giật của trẻ
  • Khi trẻ hết co giật (thường chỉ kéo dài 1-3 phút), bế trẻ lên, đặt trẻ nằm nghiêng đầu hơi dốc xuống và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện

6. Co giật do sốt là lành tính nên không cần phải đưa trẻ đến bệnh viện?

Sai! Sau khi xử trí trẻ hết co giật như các bước bên trên, cần đưa trẻ tới viện để được bác sĩ khám lại để loại trừ viêm màng não cũng như các nguyên nhân nguy hiểm gây sốt và co giật khác cũng như được hướng dẫn các bước chăm sóc trẻ sau khi bị co giật.

7. Khi đưa trẻ tới viện, bác sĩ sẽ làm những gì?

Khi được đưa tới viện, hầu hết trẻ đã hết co giật nên sẽ được theo dõi lâm sàng để kịp thời xử trí nếu có sự cố bất thường. Do vậy bố mẹ lưu ý hãy cảm thấy vui vì bác sĩ không làm gì chứ đừng quá sốt ruột vì không thấy bác sĩ làm gì cả nhé. Do hầu hết trẻ chỉ bị 1 lần co giật cho 1 đợt sốt nên các bác sĩ sẽ hầu như không cho thuốc dự phòng co giật vì tác dụng thì chưa rõ nhưng nguy cơ biến chứng gây ngừng hô hấp thì lại có trên thực tế. Nếu bác sĩ cho thuốc hạ sốt thì cũng để bé cảm thấy dễ chịu chứ không phải để điều trị cơn co giật.

Trong các trường hợp bình thường, bác sĩ sẽ để bố mẹ mang con về và dặn chăm sóc, theo dõi sức khỏe của bé sau vài ngày là ổn thỏa. Trong một số trường hợp nghi ngờ bệnh đặc biệt, bé sẽ được làm thêm xét nghiệm dịch não tủy, điện não đồ… Bố mẹ cần bình tĩnh và phối hợp với bác sĩ để sớm cho bé yêu được xuất viện về nhà chăm sóc nhé.

Nguyên Hải
Theo Đời sống Plus/GĐVN