Thứ năm, 25/04/2024 | 01:52
RSS

Nhiều nước bắt đầu công bố kế hoạch tiêm phòng vắcxin ngừa Covid-19

Thứ bảy, 05/12/2020, 07:43 (GMT+7)

Na Uy, Thụy Điển và Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đồng loạt công bố kế hoạch tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Reuters đưa tin, hôm 3/12, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido đã công bố kế hoạch tiêm chủng vắcxin Covid-19 miễn phí cho người dân nước này tại 1.200 điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Các đối tượng ưu tiên bao gồm những người trên 50 tuổi có bệnh nền, các chuyên gia tuyến đầu trong ngành y tế, quân đội, an ninh cũng như các thành viên trong viện dưỡng lão.

Bà Marta Temido cũng cho biết, Bồ Đào Nha sẽ mua tổng số 22 triệu liều vắcxin Covid-19 với tổng trị giá 243,14 triệu USD theo các thỏa thuận đã kí với các nhà sản xuất CureVac, Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson&Johnson, Sanofi và GSK.

Chi nhánh hãng dược phẩm Pfizer tại Bồ Đào Nha hôm 2/12 tuyên bố có thể phân phối vắcxin Covid-19 trong vòng 3 ngày sau khi được cơ quan Dược phẩm của Liên minh Châu Âu bật đèn xanh. Bồ Đào Nha, với dân số khoảng 10 triệu người, đã báo cáo 307.618 ca mắc covid-19 cùng 4.724 ca tử vong.

Tương tự, ngày 4/12, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bente Hoeie thông báo nước này đang lên kế hoạch sử dụng 3 vắcxin ngừa bệnh Covid-19 do các hãng Moderna, AstraZeneca, Pfizer/BioNTech phát triển để tiêm phòng cho người dân.

Nhiều nước bắt đầu công bố kế hoạch tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh Covid-19

Ảnh minh hoạ

Trong quý I/2021, Chính phủ Na Uy dự kiến sẽ nhận được 2,5 triệu liều vắcxin, đủ cho 1,25 triệu người dân. Ngoài ra, Na Uy sẽ tiếp cận được một số vắcxin của Liên minh châu Âu (EU) do Thụy Điển, quốc gia thành viên của EU, sẽ mua thêm vắcxin cần thiết và bán lại cho Na Uy sau dịp Năm mới. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Hoeie bày tỏ lạc quan rằng đến Lễ Phục sinh, tình hình dịch bệnh tại Na Uy sẽ chuyển biến tích cực. Dân số Na Uy hiện là khoảng 5,4 triệu người.

Tại Thụy Điển, chính phủ thông báo khoảng 600.000 người trong các nhà dưỡng lão, nhân viên và người thân của họ sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm vắcxin ngừa Covid-19. Sau nhóm này sẽ là các nhân viên y tế, những người trên 70 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công của Thụy Điển Johan Carlson nhấn mạnh cần phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, rồi mới tiêm phòng cho toàn dân để kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh và sau đó là chấm dứt hẳn. Ông hy vọng có thể bắt đầu triển khai tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh trong quý I/2021. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tiến độ cấp phép và thời gian vận chuyển vắcxin.

Thụy Điển đã đặt mua 6 loại vắcxin, trong đó có 5 loại thông qua cơ chế mua chung của EU. Trong số này, vắcxin của Pfizer/BioNTech có khả năng sẽ được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép đầu tiên vào cuối tháng,

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo chính phủ sẽ tiêm phòng cho 15-20 triệu người dân vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021.

Theo cuộc thăm dò do CIS tiến hành, khoảng 33% số người Tây Ban Nha được hỏi tỏ ý sẵn sàng tiêm phòng vắcxin ngừa Covid-19 ngay lập tức, trong khi 55,2% muốn đợi xem tác dụng của vắcxin trước khi tiêm. Chỉ có 8,4% số người được hỏi từ chối tiêm bất kỳ loại vắcxin nào. Cuộc thăm dò này đã được tiến hành từ ngày 23-26/11 vừa qua.

Theo đó, các nước trên thế giới đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm phòng ngừa Covid-19 cho người dân chừng nào nguồn cung đã sẵn sàng, cũng như quyết định nhóm nào sẽ được ưu tiên tiêm trước. Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 609.000 ca Covid-19 và trên 11.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 65 triệu ca, trong đó trên 1,5 triệu ca tử vong.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN