Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:02
RSS

Nha sĩ cảnh báo sai lầm của cha mẹ khiến con hỏng răng vĩnh viễn

Chủ nhật, 05/05/2019, 07:45 (GMT+7)

Rất nhiều trẻ em bị hỏng răng vĩnh viễn vì phụ huynh không coi trọng chăm sóc răng sữa và đặc biệt là răng hàm số 6.

Nha sĩ cảnh báo sai lầm của cha mẹ khiến con hỏng răng vĩnh viễn
Rất nhiều trẻ em bị sâu răng vì phụ huynh không coi trọng chăm sóc răng sữa

Theo nhiều kết quả điều tra sức khỏe răng miệng quốc gia đối với trẻ em 6 tuổi, 83,7% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là không ít phụ huynh Việt quan niệm răng sữa chắc chắn sẽ được thay thế bởi răng khác nên không coi trọng, không chăm sóc và thăm khám định kỳ cho trẻ.

Theo bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt - Nguyễn Hữu Vinh (Nha khoa Việt Smile) trẻ em bắt đầu mọc răng sữa từ 5,5 tháng tuổi đến 26 tháng tuổi, tất cả có 20 chiếc răng sữa 10 trên, 10 dưới. Khi trẻ lên tuổi thứ 6 (một số có thể sớm hơn) sẽ có hiện tượng lung lay, bắt đầu mọc 2 răng cửa hàm dưới thay thế cho 2 răng sữa.

Cùng thời điểm này 4 chiếc răng hàm vĩnh viễn đầu tiên cũng sẽ mọc (hay còn gọi là R6 - răng số 6). Đây là chiếc răng mọc trong cùng ở 4 góc hàm của trẻ và chỉ mọc duy nhất 1 lần không thay. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại không hề biết điều này nên lơ là trong việc chăm sóc răng R6 nói riêng và răng miệng nói chung.

"Chính vì răng R6 mọc sớm, trong giai đoạn trẻ em ăn uống vặt nhiều, thường uống sữa đêm, nếu việc vệ sinh kém có thể dẫn đến hậu quả sâu răng, thậm trí hỏng răng này rất sớm.

Việc chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên bị hỏng dẫn đến hàng loạt các xô lệch về hệ thống nhai, và ảnh hưởng đến việc mọc các răng tiếp theo" - bác sĩ Vinh cảnh báo.

Nha sĩ cảnh báo sai lầm của cha mẹ khiến con hỏng răng vĩnh viễn
Răng hàm R6 là răng vĩnh viễn nhưng nhiều phụ huynh không hế biết để chăm sóc đúng cách

Chăm sóc răng trẻ thế nào?

Bác sĩ Vinh khuyên cha mẹ nên chăm sóc răng cho trẻ đúng cách từ những chiếc răng sữa đầu tiên để răng luôn mạnh khỏe, đối với răng R6 càng cần đặc biệt lưu ý.

Có thể cho trẻ sử dụng bàn chải chuyên dụng cho răng trẻ em để trẻ đánh răng cùng bố mẹ mỗi buổi sáng tối - tạo cho con sự thích thú và thói quen đánh răng. Nếu trẻ chưa chịu đánh răng nên sử dụng gạc vệ sinh răng miệng để chà răng cho trẻ, sẽ dễ dàng làm sạch mảng bám hơn.

Bên cạnh đó cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra răng bé xem có bị ố màu, hoặc nặng hơn là chấm đen ở răng, để kịp thời đưa đến nha sĩ xử lý.

Cách tốt nhất để tránh sâu răng ở trẻ nhỏ là sau mỗi bữa ăn nên cho trẻ uống một ít nước để rửa sạch răng và loại bỏ những thức ăn thừa trong miệng. Không nên cho trẻ ăn quá lâu và hạn chế ngậm thức ăn trong miệng.

Ngoài việc đánh răng, trẻ nên được cung cấp fluor tại chỗ bằng cách bôi fluor trực tiếp tại các phòng khám răng. Việc bổ sung fluor tại chỗ cho trẻ 6 tháng - 1 năm/lần có thể hạn chế nguy cơ sâu răng, mủn răng ở trẻ nhỏ.

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN