Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:00
RSS

Nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia hướng dẫn cách sơ cứu bỏng do nổ trạm biến áp

Thứ sáu, 18/11/2016, 13:29 (GMT+7)

Mạng xã hội lan truyền video người dân sơ cứu nam thanh niên bị bỏng trong vụ nổ biến áp. Đoạn video khiến nhiều người tranh luận và đặt câu hỏi: việc dội nước đá cứu người bị bỏng vụ nổ biến áp là đúng hay sai?

Ngày 17/11, tại phố Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra vụ nổ biến áp gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ nổ đã làm 5 người bị bỏng nặng.

Nhân chứng có mặt ở hiện trường cho biết, khi phát hiện người đàn ông bị bỏng do nổ trạm biến áp, một người phụ nữ đã liên tục múc nước đá dội lên người để cơ cứu bỏng cho nạn nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người tại hiện trường cho rằng việc làm này vô tình đã làm người đàn ông kia đau rát khiến vết thương sâu hơn.

Người đàn ông bỏng do nổ bốt điện tại Hà Đông (Hà Nội) được người dân sơ cứu. Ảnh cắt từ Clip

Về việc sơ cứu người bị bỏng do nổ trạm biến áp, GS Lê Năm, Nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết: Trong trường hợp này, người đàn ông bị bỏng là do nhiệt chứ không phải do điện. Việc sơ cứu người bị bỏng do nhiệt hoàn toàn khác với trường hợp bị bỏng do điện và do lửa đốt.

Lúc này, nhiệt độ của nạn nhân rơi vào khoảng từ 60 – 80 độ C nhưng là bỏng do nhiệt nên dễ sơ cứu hơn. Mọi người có thể dùng nước sạch dội lên vết thương để nhanh chóng để hạ nhiệt và vết thương không bị lấn sâu. Tất nhiên, việc này phải làm ngay khi nạn nhân bị bỏng, càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, việc sơ cứu này sẽ không còn tác dụng.

Video toàn cảnh nổ bốt điện kinh hoàng ở Hà Đông

Thực tế trong lúc cấp bách như thế này việc tìm nguồn nước sạch ngay có thể lâu nên người dân cũng có thể dùng tạm nguồn nước khác để sơ cứu. Nhưng ngay sau đó phải tìm nguồn nước sạch để rửa lại vết thương cho nạn nhân. Việc dùng nước đá lạnh dội lên người là hoàn toàn không nên.

Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác

GS Năm cũng chia sẻ thêm, hiện nay trong dân gian lưu truyền khá nhiều cách sơ cứu bỏng sai lầm như dùng đã chườm lên vết bỏng, bôi nước mắm, kem đánh răng… Có rất nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng do cách làm sai lầm này.

Theo ghi nhận, mỗi năm có khoảng gần 4.000 bệnh nhân bị bỏng nặng phải điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.

Việc nổ trạm biến áp ngày 17/11 vừa qua cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh trong việc xây dựng các trạm biến áp tại các khu dân cư. Theo quy định, tất cả các trạm biến áp đều phải giữ khoảng cách an toàn với khu vực sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, thực tế ở Hà Nội vẫn còn rất nhiều hộ dân coi thường tính mạng đã tận dụng diện tích ngay dưới chân trạm biến áp để bắc lò nấu nước bán trà đá rất nguy hiểm.

Hải Bình
Theo Đời sống Plus