Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:28
RSS

Coi chừng nhiễm trùng máu vì "miếng dán thải độc thần kỳ"

Thứ sáu, 18/11/2016, 12:35 (GMT+7)

Miếng dán thải độc từng tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh về công dụng thần kỳ của nó với sức khỏe. Tuy nhiên sự thực thì sao?

Cách đây 1 năm, nhiều bác sĩ đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá tin vào công dụng của miếng dán thải độc cơ thể vì chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan tại các hiệu thuốc, trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh, thu hút một lượng người mua đáng kể.

Quảng cáo bùi tai

Theo lời quảng cáo của người bán, miếng dán thải độc được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản với giá bán từ 300.000 – 800.000 đ/hộp 10 miếng giúp thải độc khỏi cơ thể, chữa đau đầu, đau lưng, cơ, viêm khớp, mất ngủ; điều trị biến chứng cho người bị bệnh đái tháo đường, điều chỉnh hệ thống tuần hoàn máu.

Miếng dán thải độc được bán tràn lan với những lời quảng cáo bùi tai

Miếng dán thải độc được bán tràn lan với những lời quảng cáo bùi tai. Ảnh Dân Trí

Để tạo niềm tin với người mua, các shop bán hàng luôn vin vào một lý thuyết thoạt nghe rất khoa học như “gan bàn chân có hơn 60 huyệt đạo thông với 360 huyệt đạo trên cơ thể, là nơi phản ánh sức khoẻ của con người...”. Đặc biệt nhất là khi dán vào gan bàn chân, miếng dán sẽ hút hết độc tố trong cơ thể và thôi ra màu đen trên miếng dán.

Tiền mất tật mang

Chia sẻ với báo Kiến Thức, anh Trịnh Văn Hưng (577 Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết lúc đầu anh rất tín nhiệm miếng dán thải độc bởi khi dán thử thấy thôi ra "chất độc" màu đen, hơi nhờn dính. Tuy nhiên, sau khi dùng hết 20 miếng chỉ trong vài ngày mà miếng nào cũng ra màu đen, sờ nhờn dính, anh Hưng bắt đầu nghi ngờ vì không lẽ cơ thể mình lại nhiều độc tố đến vậy.

Nghi ngờ tác dụng của miếng dán này, anh Hưng đã bóc 1 miếng và để trên bàn làm việc. "Mặc dù không dán vào cơ thể nhưng miếng dán cũng vẫn thôi ra màu đen và chất dính, giống hệt như khi tác dụng trên cơ thể người", anh Hưng cho biết.

Trong khi đó, một bệnh nhân khác đến lại phải đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư khám với gan bàn chân không còn da, chảy nước vàng. Người bệnh này cho biết đã sử dụng miếng dán thải độc trong nhiều ngày.

Đến khi bóc miếng dán ra đã xé rách cả mảng da. Không biết người này đã thải được bao nhiêu độc tố ra khỏi cơ thể mà phải chịu đôi chân nhức nhối nhiễm trùng đến mức đó.

Nhiều người rơi vào cảnh tiền mất tật mang vì tin dùng miếng dán thải độc

Nhiều người rơi vào cảnh tiền mất tật mang vì tin dùng miếng dán thải độc. Ảnh minh họa

Chuyên gia lên tiếng

Trao đổi với báo Dân Trí, bác sĩ Trần Văn Năm (Viện Y dược học dân tộc) cho biết lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, thể hiện bệnh lý nên mới có các phương pháp ấn huyệt, dùng từ trường,... để góp phần chữa bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Năm khẳng định trong y học cổ truyền chưa có bằng chứng nào công nhận chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài.

Về việc đổi màu của miếng dán, có thể đó là kết quả của phản ứng giữa một thành phần nào đó của miếng dán và mồ hôi từ chân người do bị dán kín một thời gian dài, chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu.

Về việc sử dụng miếng dán thải độc, bác sĩ Năm khuyên người dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định và có nguồn gốc không rõ ràng. Không được nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình có biến chứng nặng nề hơn.

Trong khi đó, để tìm hiểu về tác dụng của miếng dán giải độc, các chuyên gia tại Viện Hóa học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã tiến hành phân tích thành phần miếng dán thải độc. Trên bao bì sản phẩm có ghi các thành phần bao gồm giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic. Trong đó axit glycolic có tác dụng tẩy da chết vì tính axit cao.

Chất bột bên trong một miếng dán thải độc chưa dùng

Chất bột bên trong một miếng dán thải độc chưa dùng. Ảnh Kiến Thức

Tuy nhiên, với nồng độ cao thì đây lại là một chất độc, cực kỳ nguy hiểm cho da khi tiếp xúc. Các chuyên gia cũng khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc. Thậm chí còn là hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da, nhiễm trùng da, nặng hơn gây nhiễm trùng máu...

Cục Quản lý dược cũng xác nhận cho đến nay Cục chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm miếng dán giải độc nào. Vì vậy, người dân không nên cả tin vào những lời quảng cáo về miếng dán thải độc dẫn đến nguy hại cho sức khỏe

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC