Thứ năm, 16/01/2025 | 17:01
RSS

Người phụ nữ suýt mất mạng khi lăn kim trị mụn lưng tại spa

Thứ sáu, 26/08/2022, 15:12 (GMT+7)

Sau khi lau thuốc tê, nhân viên spa đã dùng bàn lăn kim kết hợp với thuốc đông y để trị mụn lưng cho người phụ nữ. Sau khoảng 30 phút thì người phụ nữ xuất hiện đỏ toàn thân, ngứa, khó thở và rối loạn ý thức.

Sự kiện:
Hà Nội

Thông tin từ Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị sốc phản vệ kết hợp bị ngộ độc lidocaine khi đi lăn kim trị mụn lưng tại spa.

Theo đó, bệnh nhân là người phụ nữ 36 tuổi. Trước đó nữ bệnh nhân có đến cơ sở thẩm Mỹ để tẩy mụn trứng cá ở lưng. Nhân viên spa đã bôi thuốc tê nửa lưng cho khách rồi ủ tê bằng màng bọc thực phẩm. Sau khi lau thuốc tê, bước tiếp theo là dùng bàn lăn kim (dài 2mm) kết hợp với thuốc đông y để trị mụn. Khoảng 30 phút thì người phụ nữ xuất hiện đỏ toàn thân, ngứa, khó thở và rối loạn ý thức.

Cơ sở spa đã sơ cứu tại chỗ rồi chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nặng, huyết áp không đo được, giảm ôxy máu, lơ mơ. Tại đây, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu bằng các biện pháp điều trị sốc phản vệ. Ban đầu, tình trạng của chị có cải thiện nhưng sau đó lại xuất hiện rối loạn nhịp tim.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ kết hợp bị ngộ độc lidocaine (thuốc gây tê tại chỗ hấp thu qua da trên diện rộng và từ từ gây ngộ độc). Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và kết hợp lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục.

Người phụ nữ suýt mất mạng khi lăn kim trị mụn lưng tại spa

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ trên Báo Sức khoẻ & Đời sống về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại thuốc tê đã dùng cho bệnh nhân ở dạng gel (tương tự kem bôi) chứa lidocain với hàm lượng trên 15% (hàm lượng rất cao so với loại thuốc tê dùng để tiêm thường chỉ ở nồng độ 2%).

Bên cạnh đó, loại gel gây tê này cũng có chứa tá dược là methylparaben cũng có thể gây dị ứng. Trường hợp của nữ bệnh nhân này là ca điển hình của ngộ độc thuốc tê do bị quá liều thuốc tê lidocain.

Theo TS.BS Nguyên, ban đầu, bệnh nhân không may bị sốc phản vệ nhiều khả năng là do methyl paraben. Nhưng chính điều này lại giúp bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến viện để cấp cứu hồi sức. Sau đó, khi thuốc tê ngấm từ từ qua da tới mức gây ngộ độc, gây loạn nhịp tim muộn thì cũng là lúc bệnh nhân đã ở bệnh viện, lại ở tại một cơ sở cấp cứu hồi sức về ngộ độc nên đã được điều trị một cách phù hợp giúp qua khỏi tình trạng ngộ độc thuốc tê.

TS.BS Nguyên cũng phân tích thêm, trong trường hợp bệnh nhân không bị sốc phản vệ (trên thực tế xác suất bị dị ứng hoặc phản vệ là thấp) thì có thể bệnh nhân vẫn ở cơ sở Spa và khi thuốc tê được hấp thu tới mức ngộ độc, khi đó bị loạn nhịp tim hoặc co giật thì rất dễ tử vong tại chỗ do tình trạng này nặng, nguy kịch và khó xử trí ngoài bệnh viện hơn rất nhiều.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, ngộ độc thuốc gây tê rất nặng, nguy kịch, dễ tử vong và dễ dàng xảy ra với nhiều phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ (bôi thuốc tê rộng trên da, đặc biệt kết hợp lăn kim trên da hoặc trên vùng da có tổn thương hoặc bệnh da có sẵn, gây tê lấy mỡ bụng, gây tê tủy sống).

Các trường hợp này đòi hỏi người thực hiện là các nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa và tiến hành ở các bệnh viện có điều kiện cấp cứu hồi sức mới có thể đủ năng lực phòng tránh và xử trí các tai biến ngộ độc do thuốc tê.

Do đó, người dân khi muốn làm thẩm mỹ với các thủ thuật, kỹ thuật xuyên qua da (gây chảy máu, hay còn gọi là các thủ thuật/kỹ thuật xâm nhập thường bằng kim hoặc dao mổ) hoặc có bôi/đắp các thuốc trên diện da rộng thì cần tới các bệnh viện đảm bảo đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức, tránh việc tới rất nhiều tiệm spa, hớt tóc, thẩm mỹ hoặc các phòng khám không đảm bảo an toàn như hiện nay để tránh tiền mất, tật mang và thường là mất đi mạng sống của mình.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại