Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:20
RSS

Người mắc Covid-19 có thể truyền virus đi xa 4m?

Thứ bảy, 11/04/2020, 08:26 (GMT+7)

Khi xem xét các mẫu không khí xung quanh giường người mắc Covid-19, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện người bệnh có thể truyền virus đi xa tới 4m.

Sự kiện:
Dịch Covid-19

Người mắc Covid-19 có thể truyền virus đi xa 4m?
Người mắc Covid-19 có thể truyền virus đi xa tới 4m. Ảnh nhân viên y tế di chuyển người nhiễm nCoV tại Pháp ngày 10/4. Nguồn: AFP.

Theo hãng tin AFP, những kết quả điều tra ban đầu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan tới khoảng cách có thể di chuyển của virus corona chủng mới vừa được công bố ngày 10/4 trên tạp chí Emerging Infectious Diseases (Các bệnh nhiễm mới xuất hiện) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ.

Đây là khoảng cách xa gấp đôi so với những chỉ dẫn hiện nay khuyến cáo người dân cần duy trì trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng thận trọng cho rằng các số lượng nhỏ virus họ tìm thấy ở khoảng cách này không nhất thiết sẽ gây lây nhiễm. Theo Tuổi trẻ.

Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học quân y tại Bắc Kinh chủ trì đã kiểm tra bề mặt xung quanh giường bệnh và các mẫu không khí thu thập được từ một đơn vị hồi sức tích cực và một phòng bệnh thường chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán.Họ theo dõi tổng cộng 24 người bệnh trong khoảng thời gian từ 19/2 đến 2/3.

Theo đó nhóm nghiên cứu nhận thấy virus tập trung nhiều nhất trên các sàn nhà phòng bệnh, "có thể vì sức hút trọng lực và dòng luân chuyển không khí khiến nhiều giọt dịch chứa virus rơi xuống và tụ lại trên mặt sàn", báo cáo nêu.

Những nơi có mức độ tập trung virus cao cũng được nhận thấy tại những bề mặt thường xuyên có sự đụng chạm như chuột máy tính, thùng rác, thanh vịn/thanh chắn ở giường và tay nắm cửa.

Tính đến sáng 11/4, toàn thế giới ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 102.000 người chết, trong đó Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng, Vnexpress đưa tin.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.691.719 ca nhiễm và 102.136 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 104.510 và 7.286 ca so với hôm qua. 375.499 người đã hồi phục.  

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 492.240 ca nhiễm nCoV, tăng 30.803 ca so với hôm qua. Thêm 1.602 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 18.350. Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết. Trump ngày 10/4 nói 60.000 người có thể chết vì nCoV tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với số dự báo 100.000 trước đó.   

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.051 ca nhiễm và 634 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 158.273 và 16.081. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong khoảng hai tuần tới, ông sẽ xin ý kiến quốc hội về việc tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày.

Italy phát hiện 3.951 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 147.577, trong đó 18.849 người chết, tăng 570 ca. Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày trước đó. Các chuyên gia nói rằng số ca nhiễm và tử vong không còn leo thang nhưng vẫn không giảm mạnh. Italy tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

Italy đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Thủ tướng Giuseppe Conte gia hạn phong tỏa toàn quốc cho đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại từ 14/4, bao gồm hiệu sách, tiệm bán văn phòng phẩm và quần áo trẻ em.

Pháp là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, với 124.869 người dương tính nCoV và 13.197 người chết, tăng lần lượt 7.120 và 987 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp thông báo sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.        

Đức báo cáo thêm 3.936 ca nhiễm và 160 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên 122.171 và 2.767. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này dự kiến ra mắt ứng dụng điện thoại để theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng.        

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 73.758 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng kỷ lục 980, nâng số người chết vì nCoV lên 8.958. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về "miễn dịch cộng đồng" ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.        

Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, đã có thể tự đi lại một đoạn ngắn, cho thấy ông đang dần hồi phục sau khi được rời phòng chăm sóc tích cực ngày 9/4.

Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 68.192 ca nhiễm và 4.232 người chết. Covid-19 gây thêm tổn thất cho nền kinh tế Iran, vốn đã khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. 

Tuy nhiên, chính phủ đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4. Tổng thống Iran kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ nước này khoản vay trị giá 5 tỷ USD để chống dịch.        

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 4.346 ca nhiễm và 70 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 306 trường hợp, tăng 26 ca so với hôm trước, trong tổng số 3.512 ca nhiễm.

Singapore phát hiện thêm 198 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.108, trong đó 7 người tử vong, tăng một ca so với hôm trước.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN