Thứ bảy, 18/01/2025 | 07:28
RSS

'Người lính xe tăng số 1' và hành trình đến Dinh Độc Lập

Thứ bảy, 30/04/2022, 07:43 (GMT+7)

Qua cuốn sách “Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ” của Đại tá – nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, độc giả được tìm hiểu cuộc đời của 'người lính xe tăng số 1'.

Đó là người trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo “binh chủng thép” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lập nên chiến công vang dội: Chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975 lịch sử, đánh dấu cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta hoàn toàn thắng lợi.

Những người yêu văn học chiến tranh Việt Nam và các cựu chiến binh ở các quân, binh chủng khác hẳn sẽ rất “ghen tị” khi thấy ở binh chủng Tăng - Thiết giáp, lượng sách, truyện về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ binh chủng liên tiếp xuất hiện, từ bộ tiểu thuyết dài 4 tập Bão thép, Lính tăng, các tập truyện ký Hành trình đến dinh Độc Lập, Theo vết xích xe tăng (đã ra đến tập thứ 4), Tự truyện của mãnh hổ đường số 9, Mũi lao thép, Một chọi mười - Trận đấu tăng bi tráng, 1975 - Hồi ức lính trận…

Có được lượng tác phẩm khá lớn này, là nhờ “binh chủng thép” đã sản sinh ra nhiều tài năng văn học, ngoài nhà thơ Hữu Thỉnh, còn có các nhà văn Nguyễn Thế Tường, và nổi bật là Đại tá - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, người tự đặt cho mình mục tiêu sau khi nghỉ hưu là “viết để trả những món nợ ân tình với các đồng đội” nên liên tiếp cho ra đời các tác phẩm về binh chủng mà ông suốt đời gắn bó.

Cuối năm 2021, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã cho ra mắt cuốn Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ (NXB QĐND), viết về người được mệnh danh là “Người lính xe tăng số 1” của QĐNDVN, vì ông chính là Trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn xe tăng 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta, được thành lập ngày 5/10/1959.

Sách “Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ” của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

Qua những trang sách, độc giả được biết vì sao trung đoàn xe tăng đầu tiên của QĐND Việt Nam lại có phiên hiệu là trung đoàn 202. Đó là vì sau kháng chiến chống Pháp, có 202 cán bộ, chiến sĩ được cử sang nước ngoài học tập về làm chủ xe tăng – loại vũ khí lợi hại của lục quân.

Khi về nước, thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên, phiên hiệu 202 được lấy từ số lượng những hạt giống đầu tiên này và Thiếu tá Đào Huy Vũ được chỉ định làm Trung đoàn trưởng đầu tiên.

Là một người lính xe tăng từ năm 1971, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt đã có một thời gian dài được sống và chiến đấu dưới quyền của Thiếu tướng Đào Huy Vũ và được nghe rất nhiều câu chuyện, giai thoại về thủ trưởng của mình.

Với lòng kính trọng, ngưỡng mộ tư lệnh, được sự động viên của các đồng đội và sự giúp đỡ của gia đình cố Thiếu tướng, nhà văn đã dựng lại cuốn truyện dài trên 560 trang về cuộc đời của “Người lính xe tăng số 1” Đào Huy Vũ (tên thật là Đào Hữu Vỹ, 1924 - 1986), một vị Hương sư của quê hương Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp ở sư đoàn bộ binh 304, được cử đi học lớp đào tạo chỉ huy xe tăng đầu tiên của quân đội ở nước ngoài và lần lượt giữ cương vị Phó Tư lệnh, Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp trong suốt cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ có điều kiện theo bước chân của vị tư lệnh xe tăng lần lượt xông pha khắp các chiến trường nóng bỏng nhất, từ Đường 9 - Khe Sanh, chiến trường Quảng Trị năm 1972, các chiến dịch Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của bộ đội tăng – thiết giáp.

Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tặng sách Đại tá Bùi Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203.

Trong mùa xuân năm 1975 lịch sử, cùng với khí thế sục sôi của tất cả các quân, binh chủng sẵn sàng tham gia những chiến dịch cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp cũng lên đường ra trận, ông lập một Bộ Tư lệnh Thiết giáp tiền phương bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch Quảng – Đà cuối tháng 3/1975.

Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, nghe các đơn vị xe tăng tham gia chiến dịch báo cáo diễn biến các trận đánh, Tư lệnh Đào Huy Vũ đã rất chú ý khi nghe Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 – Lữ đoàn xe tăng 203 kể về tình huống tiến quân trong hành tiến với xe tăng có bộ binh phối thuộc khi tiến công đèo Hải Vân.

Ông đúc kết với các cán bộ dưới quyền: “Đây là một hình thức tác chiến rất mới đối với chúng ta song tôi tin rằng rồi đây chúng ta có thể áp dụng nhiều. Vì vậy, các anh nên tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm để khi cần ta có thể vận dụng được”.

Hình thức tác chiến này đã được bộ đội tăng – thiết giáp tiếp tục áp dụng thành công để giải phóng Phan Rang và đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến dịch giải phóng Phan Rang, Tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp, Đại tá Đào Huy Vũ ở trong đoàn Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải. Có một chi tiết thú vị được nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt kể lại trong sách, là chuyện “8 ông tướng thảo luận tác chiến ở bãi cỏ vệ đường”.

Đó là cuộc hội ý đột xuất của Tư lệnh cánh quân Duyên Hải - Trung tướng Lê Trọng Tấn với Thiếu tướng Lê Quang Hòa – Bí thư Ban Cán sự Đảng lâm thời của cánh quân, Thiếu tướng Nam Long – Phái viên của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Phan Hàm – Cục phó Cục Tác chiến, Thiếu tướng Đỗ Trình – Văn phòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương, Thiếu tướng Phạm Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An – Tư lệnh Quân đoàn 2”.

Khi có người nói đùa “Sao 7 ông tướng lại ngồi bệt trên bãi cỏ?” thì Trung tướng Lê Trọng Tấn nói: “Không, tám ông chứ!”. Ý ông nói Tư lệnh Đào Huy Vũ cũng là “tướng xe tăng” – và về sau, ở cương vị tư lệnh binh chủng, Đại tá Vũ cũng được phong quân hàm thiếu tướng năm 1979.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng tăng – thiết giáp có 398 xe tham gia ở tất cả các cánh quân. Sáng 30/4/1975, cánh quân của Quân đoàn 2 được tổ chức thành binh đoàn thọc sâu do Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu đã lần lượt vượt qua các cầu Xa Lộ, Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn rồi tiến vào chiếm dinh Độc Lập.

Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng, thuộc tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 Bùi Quang Thận là người kéo cờ trên nóc dinh, còn Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng là người thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh.

Ngày 1/5/1975, Đại tá Đào Huy Vũ cùng lực lượng Tiền phương Thiết giáp và Bộ Tư lệnh cánh Đông vào Sài Gòn, đến Dinh Độc Lập, nghe chỉ huy Lữ đoàn 203 và các bộ phận báo cáo tình hình chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiều hôm đó, ông cùng Phó Chính ủy Đào Văn Xuân ký chung bức điện báo cáo tổng hợp tình hình chiến đấu của bộ đội xe tăng gửi về Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị.

Những chương cuối, cuốn sách nêu bật những đóng góp của Thiếu tướng Bùi Huy Vũ trong công tác xây dựng lực lượng và sử dụng tăng, thiết giáp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế

Năm 1980, Đào Huy Vũ chuyển sang làm Chủ nhiệm Khoa Xe tăng của Học viện Quân sự cấp cao. Đến năm 1985, ông bị phát hiện có u ác tính ở phổi và qua đời ngày 11/12/1986, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ dưới quyền.

Lễ tang của ông là lễ tang đầu tiên và duy nhất được tiến hành tại hội trường lớn của Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Tiên Long
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại