Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:02
RSS

Hoàn thiện bộ tiêu chí về giáo dục công dân toàn cầu tại Việt Nam

Thứ sáu, 29/04/2022, 16:23 (GMT+7)

Sáng 29/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì cuộc họp hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp về giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam.

Vai trò của giáo dục công dân toàn cầu

Đây là đề tài của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam do Tiến sĩ Lương Việt Thái làm Chủ nhiệm đề tài. Đề tài mang mã số KHGD/16-20.ĐT.009 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 về “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. 

Nhóm nghiên cứu đề xuất quan niệm: công dân toàn cầu (CDTC) Việt Nam là người có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo, giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng, góp phần làm cho địa phương, đất nước, thế giới tốt đẹp và phát triển bền vững. Tôn trọng quyền con người, sự đa dạng trân trọng, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đất nước. Có ba tiêu chí về CDTC Việt Nam gồm kiến thức; kỹ năng; thái độ và giá trị. 


Tiến sĩ Lương Việt Thái - Chủ nhiệm đề tài chia sẻ một số nét cơ bản về đề tài nghiên cứu.

Theo UNESCO, giáo dục CDTC nhằm mục đích trao quyền cho người học tham gia và đảm nhận vai trò tích cực tại địa phương, quốc gia và trên toàn cầu, để đối mặt và giải quyết các thách thức toàn cầu và cuối cùng để trở thành người chủ động đóng góp cho hòa bình, khoan dung, bao gồm sự an toàn và bền vững thế giới. Giáo dục CDTC đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác như giáo dục nhân quyền, giáo dục hòa bình, giáo dục để phát triển bền vững và giáo dục cho sự hiểu biết quốc tế với  quan điểm học tập suốt đời và nhiều hình thức học tập khác. 

Kết quả khảo sát thực trạng tại 54 trường ở 6 tỉnh, thành (Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Bình, Cần Thơ); mỗi tỉnh/thành khảo sát tại 3 quận/huyện; mỗi quận/huyện khảo sát 3 trường tiểu học, THCS và THPT cho thấy một số vấn đề thực tiễn thực hiện một số nội dung giáo dục CDTC.

Những năm qua, các trường phổ thông đã đổi mới giáo dục, đặc biệt đổi mới về phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Qua đó, những nội dung của giáo dục CDTC cũng được quan tâm hơn. Giáo viên đã quan tâm sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo nhóm, yêu cầu học sinh liên hệ kiến thức với thực tiễn.

Bên cạnh đổi mới các hoạt động dạy học các môn học, các nhà trường cũng đã quan tâm xây dựng môi trường học tập thân thiện; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Ở các nhà trường phổ thông hiện nay, đã và đang thực hiện một số nội dung của giáo dục CDTC thông qua thực hiện tích hợp, lồng ghép vào các môn học hoặc hoạt động giáo dục. Ví dụ, giáo dục bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng; giáo dục bình đẳng giới; quyền trẻ em… 

Do đó, TS Lương Việt Thái cho hay, giáo dục CDTC ở phổ thông góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, và góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT mới 2018. Giáo dục CDTC cung cấp bối cảnh rộng hơn, toàn cầu cho việc học tập những vấn đề địa phương và quốc gia. Do vậy, bên cạnh những nội dung “mở rộng thêm”, thực hiện giáo dục CDTC giúp gia tăng về “chất” cho những phẩm chất, năng lực mà học sinh được hình thành, phát triển. Từ đó, giúp các em thực hiện tốt việc học tập cũng như đáp ứng tốt với vai trò người công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


Cần tiếp tục hoàn thiện thêm một số nội dung

GS.TS Đỗ Đức Thái góp ý với nhóm đề tài tại cuộc họp.

GS.TS Đỗ Đức Thái - thành viên hội đồng phản biện, đánh giá đề tài đạt yêu cầu, những người quan tâm đến hội nhập quốc tế có thể tra cứu thông tin từ đề tài này. Ở chương IV của đề tài từ trang 116 - 127, trên cơ sở khảo nghiệm quốc tế, nhóm đề tài muốn đề xuất bộ tiêu chí về CDTC Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp từ phía nhà trường. Đề tài khảo nghiệm trên quy mô không lớn nhưng độ tin cậy cao. 

Dưới góc độ một chuyên gia giáo dục, GS Đỗ Đức Thái cũng góp ý: Kinh phí đề tài hạn hẹp nhưng muốn tăng tính thực tiễn thì cần điều chỉnh thêm một vài nội dung nữa. CDTC và giáo dục CDTC mà UNESCO nhấn mạnh liên quan đến hệ giá trị văn hóa con người, nhất là học sinh. Chúng ta toàn cầu hóa hệ giá trị công dân theo chuẩn Mỹ hay chuẩn nước nào? Liên quan gì đến giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam?

Chương trình GDPT 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Có 2 cách đề xây dựng bộ tiêu chí công dân toàn cầu Việt Nam mà muốn đưa vào trường học, cần xuất phát từ Nghị quyết 05 của Trung ương Đảng, Chương trình GDPT 2018 về xây dựng văn hóa con người Việt Nam. Xuất phát từ quan niệm của chương trình 2018 và các văn bản của Đảng về hệ giá trị con người Việt Nam làm tiêu chuẩn chỉ báo về giáo dục CDTC Việt Nam. Để hiện thực hóa nó trong cuộc sống, các thành viên của đề tài cần tiếp tục nghiên cứu một cách cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Đề tài này liên quan nhiều đến phẩm chất học sinh, đây là một việc rất khó. 

Tham dự cuộc họp trực tuyến, GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cơ bản đồng tình với các nội dung trình bày của đại diện nhóm nghiên cứu về đề tài. Đây là một đề tài có sự đầu tư và kết quả bước đầu tích cực. 

Theo GS Sơn, đề tài lần này đã đạt được mục tiêu chính là bộ tiêu chí. Tiêu chí này bám được nội dung cụ thể. Đánh giá cao tổng quan của đề tài vì đề cập nhiều tài liệu đa dạng, có uy tín. Có đầu tư về phương pháp nghiên cứu, nhất là về giáo dục phổ thông. Các sản phẩm cơ bản đạt được và đáp ứng yêu cầu. Trong khi khó khăn về dịch bệnh và kinh phí eo hẹp nhưng nhóm nghiên cứu vẫn cố gắng để hoàn thành đề tài. 

Tuy nhiên, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, phần mục tiêu cụ thể, nếu xét về chính sách giáo dục thì làm chưa tới nên cần giới hạn lại đề tài, chỉ nên đề xuất hoặc kiến nghị. Vì nếu để vậy sẽ tạo ra độ "vênh" giữa lý thuyết và khung tiếp cận. Phải có tiếp cận về khoa học đánh giá. Những thuật ngữ cần xem xét kỹ hơn. Nhóm cần điều chỉnh lại cách tiếp cận theo hướng phẩm chất và năng lực thay vì kiến thức.

Dù cố gắng nhưng cần kiểm tra lại một số thuật ngữ về thang đo về kỹ năng, thái độ. Chương trình GDPT 2018 đã có một số môn làm rõ về thang đo. Nếu đã gọi là bộ tiêu chí thì cần có tính logic và hệ thống. Nhóm cần chú ý về mặt giải trình để thấy được sự phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam. Cần nghiên cứu bổ trợ về sau nếu được nghiệm thu để đưa đề tài này vào cuộc sống. 

Đồng tình với ý kiến góp ý của các thành viên phản biện khác, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài đến từ Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ở chương 1 của đề tài đã tổng quan các khái niệm về công dân toàn cầu khá phong phú. Có nhiều chỗ diễn giải nhưng chưa có trích dẫn dễ dẫn đến người đọc hiểu đây là quan điểm của nhóm tác giả.

Nhóm nghiên cứu cần chỉ ra khoảng trống về giáo dục CDTC tại Việt Nam. Cần rút kinh nghiệm từ thế giới một cách có hệ thống, chỉ số cụ thể rút ra cho Việt Nam. Phần diễn giải chỉ là liệt kê, chưa thấy khung phân tích thực trạng CDTC tại Việt Nam. Nên nâng cao nội hàm về cơ sở lý luận, kết quả thực hiện tại các nước và đề xuất khi áp dụng trong nước. Ông đề xuất bổ sung phương pháp nghiên cứu để đảm bảo tính hiệu lực; bổ sung các tài liệu liên quan đến CDTC mang tính cập nhật đến hiện nay.  

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực và tinh thần làm việc nghiêm túc của nhóm nghiên cứu khi triển khai đề tài này. Qua đây, Thứ trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý từ các thành viên hội đồng phản biện, các chuyên gia giáo dục để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện thêm một số nội dung cho đề tài. Tựu chung lại, đề tài lần này của nhóm nghiên cứu là đạt yêu cầu.

 

Khôi Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại