Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:01
RSS

Góp ý xây dựng kế hoạch giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thứ sáu, 29/04/2022, 14:05 (GMT+7)

Sáng 29/4, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.


Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu đề dẫn, cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, chưa đầy 5 tháng nữa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức thực hiện ở lớp 10. Do đó mỗi nhà trường, thầy cô giáo phải thay đổi toàn diện từ việc xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cũng như quá trình, cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Cô Lập nhìn nhận, người quản lý phải xây dựng chương trình giáo dục của nhà trường đáp  ứng nhu cầu, lựa chọn của học trò nhưng lại phải phù hợp với cơ sở vật chất và cơ cấu nhân lực hiện có.

Đối với giáo viên phải thay đổi thói quen giảng dạy cũ, đổi mới trong quan điểm và hành động về cách tiếp cận nội dung bài học cũng như phương pháp giảng dạy, đánh giá, kiểm tra bộ môn.


Cô Lưu Thị Lập phát biểu đề dẫn tại hội thảo

“Sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đòi hỏi mỗi nhà trường cũng phải thay đổi toàn diện các khâu, các bước trong quá trình giáo dục của trường mình. Sự thay đổi đó cần nhiều thời gian và tâm sức của nhà trường, giáo viên, học sinh cũng như xã hội đặc biệt là mỗi chúng ta - những người đang giữ trọng trách người thầy” – cô Lập trao đổi.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, sự thay đổi theo Chương trình giáo dục 2018 sẽ diễn ra ở tất cả các môn học. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ cố gắng tổ chức, kết hợp việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho các thầy cô ở các môn học khác để việc thực hiện chương trình phổ thông mới của trường diễn ra đồng bộ và hiệu quả.


Cô Bùi Thị Ngọc Lan tham luận tại hội thảo

Tham luận tại hội thảo, cô Bùi Thị Ngọc Lan – Tổ trưởng tổ Ngữ văn cho hay: tổ chuyên môn đã dự thảo kế hoạch giáo dục môn Ngữ văn lớp 10 năm học 2022 – 2023. Dự kiến, 3 tiết/tuần; học kỳ I: 54 tiết (18 tuần); học kỳ II: 51 tiết (17 tuần); chương trình cụm chuyên đề: 1 tiết/tuần (35 tiết/tuần).

Cô Lan nhìn nhận, cấu trúc chương trình mới đối với môn Ngữ văn logic, hợp lý, giáo viên dễ định hình, học sinh được học theo từng mạch kiến thức.

“Là giáo viên THPT Hoàng Cầu, từ năm học 2014– 2015, chúng tôi đã luôn tự thân đổi mới dạy học phát triển năng lực. Do đó, chúng tôi đã được tiếp cận và có định hình một phần nào trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục bộ môn đáp ứng yêu cầu của Chương trình 2018” – chia sẻ, đồng thời khẳng định: Không có gì khó nếu chúng ta đủ quyết tâm và tâm huyết.


PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trao đổi tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa lớp 10 môn Ngữ văn bộ Cánh Diều – trao đổi: giáo viên cần áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh và tổ chức dạy học thông qua hoạt động.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ, các hình thức tổ chức hoạt động gồm: trong và ngoào khuôn viên nhà trường. Học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, dự án trò chơi, thảo luận tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, hoạt động phụ vụ cộng đồng; làm việc nhóm, theo lớp và làm việc độc lập.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống ghi nhận sự chủ động của Trường THPT Hoàng Cầu trong việc bắt nhịp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có xây dựng kế hoạch giáo dục.

Theo đó, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã chia sẻ, giải đáp và gợi ý một số vấn đề mà giáo viên quan tâm như: Cách thức tổ chức dạy chuyên đề của môn học tự chọn, trong đó cần có phòng học chuyên đề và bố trí thời khoá biểu khi tổ chức dạy học theo chuyên đề; Cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phương pháp tổ chức dạy - học môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại