Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:44
RSS

Tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên ở Gia Lai

Thứ tư, 27/04/2022, 07:01 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, ngành GD Gia Lai đang tích cực chuẩn bị CSVC và trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của địa phương hiện nay là thiếu giáo viên.


Dự kiến năm học 2022 - 2023 tỉnh Gia Lai thiếu 4.377 giáo viên.

Bảo đảm cơ sở vật chất

Thầy Trần Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: Trường có 2.127 học sinh với 45 lớp. Năm học 2022 - 2023 nhà trường dự kiến có 10 lớp 7 và đang quy hoạch đội ngũ giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT 2018 với lớp 7.

Theo thầy Tâm, 85 cán bộ, giáo viên của trường đã tham gia buổi giới thiệu SGK do các nhà xuất bản tổ chức. Qua đó, giáo viên tìm hiểu, tiếp cận với các bộ sách để có cơ sở lựa chọn phù hợp với điều kiện nhà trường và địa phương.

Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu với phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, những năm vừa qua được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, nhà trường được đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, phòng học. Nhà trường đã sẵn sàng về cơ sở, con người để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tại TP Pleiku (Gia Lai), sau một học kỳ thực hiện Chương trình SGK mới đối với lớp 2 và lớp 6, theo báo cáo từ các trường, học sinh có nhiều tiến bộ. Đối với khối lớp 1 và lớp 2, học sinh đọc, viết và làm Toán thành thạo.

Nêu thông tin trên, ông Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng GD&ĐT TP Pleiku trao đổi: Chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 3 và 7, ngành giáo dục đã xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng ưu tiên xây dựng, cải tạo các trường tiểu học. Ngoài ra, các trường đã phân công cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn và tìm hiểu về các bộ SGK.

Dự kiến năm học 2022 - 2023, thành phố sẽ có khoảng 140 lớp 3 và 100 lớp 7. Tuy nhiên, thành phố hiện thiếu 310 giáo viên để đáp ứng dạy được 2 buổi/ngày. Riêng giáo viên dạy lớp 3 thiếu khoảng 30 chỉ tiêu.

“Ngành Giáo dục thành phố đã xin bổ sung thêm giáo viên để đáp ứng dạy Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3 và lớp 7. Nếu tình hình không được cải thiện, các trường sẽ bố trí giáo viên dạy tăng giờ, nhưng sẽ rất khó khăn”, ông Thức cho hay.


Học sinh lớp 6 tại huyện Phú Thiện (Gia Lai) học Chương trình GDPT 2018.

Thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học

Tại huyện Kbang (Gia Lai) cán bộ, giáo viên đã được tiếp cận và tìm hiểu bộ SGK lớp 3 và lớp 7 thông qua buổi giới thiệu sách của các nhà xuất bản. “Địa phương chuẩn bị hội thảo về SGK đối với lớp 3 và lớp 7, sau đó sẽ lựa chọn, đánh giá các bộ sách để có thể chọn lựa được bộ phù hợp với các trường, học sinh tại địa phương”, ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kbang cho biết.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám, vấn đề lo lắng nhất của nhà trường là thiếu giáo viên. Trường chưa có giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Do đó, nhà trường đã đề xuất xin 1 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học. Tuy nhiên, nếu không bố trí thêm giáo viên về trường được thì đề xuất để giáo viên ở trường THCS dạy liên trường.

Thầy Lê Tấn Trọng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho hay: Để bảo đảm chất lượng khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, nhà trường đã tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh và cán bộ, giáo viên; đồng thời dự kiến về việc lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh. Trong đó, khoảng 55% chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội 40% chọn Khoa học tự nhiên và 5% chọn tổ hợp còn lại. Trên cơ sở đó, nhà trường lập danh sách dự kiến giáo viên để tham gia tập huấn đầy đủ. Tiếp đến là triển khai cho tổ chuyên môn nghiên cứu ưu, nhược điểm của từng bộ sách để có cơ sở lựa chọn.

Theo thầy Trọng, nhà trường còn một số khó khăn, nhiều giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ còn hạn chế. Mặc dù nhà trường được trang bị phương tiện, thiết bị dạy học nhưng có thiết bị đã cũ và không đồng bộ. Trường cũng chưa có giáo viên Âm nhạc.

Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, số lượng giáo viên dự kiến dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022 - 2023 là 8.744 người. Trong đó, khối 3 dự kiến có 1.196 lớp với 2.742 giáo viên; Khối 7, dự kiến có 681 lớp với 4.372 giáo viên; Khối 10 có 393 lớp với 1.630 giáo viên. Nếu không được bổ sung biên chế, dự kiến số lượng giáo viên thiếu trong năm học 2022  - 2023 là 4.377 người. Đồng thời mỗi năm cần bổ sung khoảng hơn 250 chỉ tiêu để bù số giáo viên, nhân viên nghỉ hưu.

Qua rà soát, số giáo viên Tiếng Anh hiện có 254 người, dự kiến năm học 2022 - 2023 thiếu 66 người. Giáo viên Tin học hiện có 96 người, dự kiến năm học tới thiếu 66 chỉ tiêu.

Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết: Mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ (kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa thiếu giáo viên cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang) nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Các trường đang thiếu nhiều giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc. Trong năm học 2022 - 2023 cấp THPT bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc. Đặc biệt, hiện nay chưa có trường THPT nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai có giáo viên các môn học mới này.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Gia Lai đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nhân lực, như: Tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, thỉnh giảng, biệt phái giáo viên, bố trí 1 giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn, giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học cấp THCS dạy cấp tiểu học... Bên cạnh đó, phối hợp với cơ sở đặt hàng đào tạo liên thông đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ. Đồng thời, đào tạo mới số giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học và các môn học mới ở cấp THPT hiện không có giáo viên nào như Âm nhạc, Mỹ thuật.

Sở GD&ĐT Gia Lai cũng đề nghị Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ sớm bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh, tránh tình trạng có học sinh mà không có giáo viên. Trong trường hợp không bổ sung đủ biên chế giáo viên, Sở GD&ĐT Gia Lai đề nghị Bộ có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định. Kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.

 

Dung Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại