Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:53
RSS

Thầy cô nỗ lực để học trò vững bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ tư, 27/04/2022, 10:41 (GMT+7)

Dạy học trong điều kiện dịch bệnh, học sinh khối 12 cả nước vẫn hoàn thành chương trình năm học đúng tiến độ; bảo đảm tốt công tác ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.


Học sinh lớp 12 trên cả nước tập trung học tập từ những ngày đầu trở lại trường. Ảnh minh họa

Hoàn thành chương trình đúng tiến độ

Theo kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các cấp học sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5.

Tại Trường THPT Đặng Trần Côn (thành phố Huế), chương trình học đang được triển khai đúng tiến độ. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: Dịch bệnh không ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch thời gian năm học vì trường đã chủ động chuyển đổi hình thức dạy học online - trực tiếp một cách linh hoạt.

“Theo kế hoạch, đến 22/5, cả 3 khối lớp hoàn thành chương trình. Sau thời gian này, nhà trường tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 cho đến đầu tháng 7. Học sinh lớp 12 của trường đang được ôn luyện buổi 2 theo tổ hợp môn các em dự kiến đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” - thầy Nguyễn Ngọc Hiền cho hay.

Linh hoạt chuyển đổi các hình thức dạy học tùy điều kiện dịch bệnh, cơ sở vật chất bảo đảm cũng giúp Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Thầy trò đang dạy học ở tuần 33. Trong tuần 33 kiểm tra xong học kỳ II cho học sinh khối 12; riêng khối 10, 11, hoạt động này hoàn thành trong tuần 34, 35. Nhà trường dự kiến tổng kết trước ngày 25/5. Hiện, kế hoạch ôn tập cho học sinh 12 trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT được dự thảo và sẽ ban hành sau khi thông qua cuộc họp giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh.

Theo dự thảo kế hoạch, nhà trường căn cứ đăng ký của học sinh theo tổ hợp để ôn tập, phân nhóm cho phù hợp. Học sinh học yếu, có nguy cơ điểm liệt hoặc không đỗ tốt nghiệp (trên cơ sở kết quả thi thử và kết quả học kỳ II) được quan tâm bồi dưỡng thêm, bảo đảm cho các em tự tin khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Tại Bắc Ninh, với việc duy trì học trực tiếp liên tục và các trường THPT xây dựng kế hoạch giáo dục theo Công văn 4040 của Bộ GD&ĐT nên tất cả đều bảo đảm hoàn thành chương trình trước 31/5. Đối với học sinh khối 12, thông tin từ ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập và bổ trợ kiến thức vào các buổi chiều (thực hiện từ 16/3), nên bảo đảm tốt công tác ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết: Các trường THPT trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch năm học theo đúng tiến độ. Cụ thể, lớp 12 sẽ hoàn thành chương trình trước 31/5; các khối còn lại hoàn thành trước 28/6.


Giờ học của cô trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang).

Tăng cường ôn thi sau hoàn thành chương trình

Sau khi hoàn thành chương trình, các trường THPT trên địa bàn tỉnh An Giang bắt tay ngay vào ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Theo ông Trần Tuấn Khanh, trên cơ sở kết quả cuối năm, các trường tiến hành phân loại năng lực học tập của học sinh theo từng môn học để xây dựng nội dung ôn tập phù hợp, không vượt quá năng lực tiếp thu, không gây áp lực cho học sinh. Tinh thần chung là giúp học sinh nắm chắc nội dung cơ bản, cốt lõi của từng môn học để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp. Đối với học sinh có năng lực tiếp thu tốt, ngoài kiến thức cơ bản, thầy cô sẽ hỗ trợ bổ sung thêm nội dung nâng cao, dành nhiều thời gian để các em tự học nhằm hướng đến mục tiêu tuyển sinh đại học cao đẳng.

Tại Vĩnh Long, Sở GD&ĐT đã yêu cầu lãnh đạo các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát, xây dựng và hoàn thành kế hoạch dạy học chương trình lớp 9, lớp 12; tuyệt đối không được cắt giảm số tiết, số môn học và hoạt động giáo dục đã quy định trong chương trình. Phấn đấu hoàn thành trước ngày 16/5/2022 (trong trường hợp bất khả kháng các đơn vị có thể hoàn thành chương trình sau ngày 16/5/2022) để tổ chức ôn tập thi Tuyển sinh lớp 10 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Về ôn tập thi tốt nghiệp THPT, theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, các trường phải thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19; tận dụng triệt để thời gian dạy trực tiếp để cung cấp các kiến thức trọng tâm, cốt lõi của chương trình. Linh hoạt tổ chức các buổi ôn tập trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến phù hợp với khả năng học tập của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của nhà trường.

Căn cứ kế hoạch dạy học, các trường chủ động huy động toàn lực cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19. Kế hoạch phải có sự phân công lãnh đạo phụ trách (phụ trách theo môn hoặc theo lớp). Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập để kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp ôn tập cho phù hợp. Tập trung hỗ trợ học sinh bị hổng kiến thức do thiếu thiết bị và điều kiện học trực tuyến, những học sinh phải học nhờ, học tạm, học sinh bị nhiễm Covid-19…

Chia sẻ về công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Ngọc Hiền thông tin: Trường THPT Đặng Trần Côn đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ từ đầu năm học với nhiều giải pháp. Học sinh được ôn theo 3 giai đoạn: Từ đầu năm học, từ đầu học kỳ II và sau khi kết thúc học kỳ II. Theo đó, trên cơ sở kết quả cuối năm lớp 11, định hướng tổ hợp môn thi, giáo viên phân hóa học sinh để có nội dung và giải pháp ôn tập phù hợp theo từng nhóm đối tượng.

Sau mỗi kỳ kiểm tra (giữa học kỳ, cuối học kỳ), giáo viên tổng hợp, phân tích, đối sánh kết quả đạt được của học sinh ở lần gần nhất. Với học sinh có kết quả kiểm tra lần sau không cao hơn lần trước, giáo viên tìm nguyên nhân để điều chỉnh phương pháp dạy - học của cả thầy và trò. Cùng kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, tổ chức ôn thi, nhà trường tổ chức đan xen 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT. Sau kết thúc học kỳ II, trường sẽ tập trung ôn thi 6 môn, đáp ứng yêu cầu 4 bài thi cho học sinh.

“Trong quá trình triển khai, nhà trường luôn quan tâm đến các trường hợp học sinh diện F, đặc biệt là F0, mặc dù đã triển khai dạy học theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến song song trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng”. Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, ngoài nắm bắt kịp thời những chỉ đạo, định hướng về công tác ôn tập thi tốt nghiệp, điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi nhận thức của học sinh. Học sinh cần chủ động hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, dạng bài tập theo các mức độ khác nhau.

 

Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại