Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:53
RSS

Người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19 được trả lương thế nào?

Thứ sáu, 27/03/2020, 09:47 (GMT+7)

Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ làm. Vậy người lao động nghỉ việc do dịch sẽ được trả lương như thế nào?

Sự kiện:
Virus corona

Ngày 26.3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc trả lương, tạm hoãn hợp đồng lao động... đối với lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19.

Do tác động bởi dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Theo đó, đối với người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ được thực hiện theo khoản 3, điều 98, bộ luật Lao động. 

Cụ thể, tiền lương sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2020 chia theo 4 vùng. Vùng 1 là 4,42 triệu/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu; vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

Người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19 được trả lương thế nào?

Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thị trường, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại điều 31, bộ luật Lao động. Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại điều 32, bộ luật Lao động.

Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước. từ 03-45 ngày tuỳ theo thời hạn trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, nếu NLĐ làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên thì sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương.

Đối với những trường hợp phát sinh khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các sở căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hoặc báo cáo về Bộ để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Cùng ngày, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn gửi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH tại các địa phương về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng qua hệ thống bưu điện trong thời gian chống dịch Covid-19.

Cụ thể, bưu điện sẽ trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tận nhà đối với người được hưởng từ 80 tuổi trở lên; người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, không tự đến hoặc không ủy quyền cho người khác; người bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú... Khuyến khích người hưởng chế độ nhận tiền qua tài khoản cá nhân. 

 

 

Quân Nguyễn (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN