Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:16
RSS

Người đàn ông suýt tử vong sau khi ra khỏi nhà tắm vì lý do này

Thứ ba, 03/11/2020, 14:43 (GMT+7)

Sau khi rời khỏi hơi nước nóng từ nhà tắm, người đàn ông bất ngờ toát mồ hôi nhiều, mề đay nổi toàn thân. Sau đó được đưa đến bệnh viện trong tình trạng dị ứng toàn cơ thể, ngừng thở, sốc phản vệ nguy kịch.

Người đàn ông suýt tử vong sau khi ra khỏi nhà tắm vì lý do này

Ảnh minh họa

Ngày 3/10, Zing dẫn nguồn tin từ tạp chí Experimental Medicine về trường hợp một nam bệnh nhân  suýt tử vong sau khi bước ra khỏi nhà tắm với chẩn đoán sốc phản vệ do lạnh.

Theo đó, bệnh nhân là người đàn ông tên Bill, 34 tuổi, hiện sinh sống tại Colorado, Mỹ Sau khi bước ra khỏi nhà tắm, người đàn ông này tuổi gục xuống, kèm theo đó là cơn khó thở, nổi mề đay khắp cơ thể. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại thời điểm nhập viện, toát mồ hôi nhiều, mề đay nổi toàn thân. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người này bị sốc phản vệ do lạnh. Chỉ cần tiếp xúc nước hay không khí lạnh, bệnh có thể tái phát.

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thời tiết lạnh. Trước đó, bệnh nhân từng mẩn ngứa, nổi mề đay khi tiếp xúc môi trường lạnh đột ngột. Tình trạng này xảy ra khi bệnh nhân chuyển từ Micronesia (nơi có khí hậu nhiệt đới) đến Colorado (nơi có khí hậu lạnh giá, nhiệt độ thấp hơn nhiều).

Do tình trạng nguy kịch nên bệnh nhân phải điều trị bằng epinephrine, histamine, steroid trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hiện tại, sức khỏe của người này đã ổn định và được xuất viện.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân đã được tư vấn để tránh tiếp xúc với nước lạnh hoặc các tình huống khác mà toàn bộ cơ thể sẽ bị lạnh. Bệnh nhân cũng được kê đơn một ống tiêm tự động epinephrine, có thể điều trị sốc phản vệ trong các tình huống khẩn cấp.

Cũng giống với Bill, chỉ cần hít phải không khí lạnh hoặc uống một ly nước đá cũng khiến Max Fisher (sinh viên 24 tuổi, sống ở thành phố Nottingham, Anh) bị dị ứng dữ dội, thậm chí gây sốc phản vệ và tử vong.

Theo lời kể của Fisher, từ năm 2009, khi cô bỗng cảm thấy khó thở lúc ngồi trên thảm cỏ ướt vào mùa hè năm đó. Lúc ấy Fisher chỉ mới 14 tuổi. Ban đầu, các bác sĩ nhầm lẫn là cô bị dị ứng với phấn hoa, đến sau này mới phát hiện khí lạnh chính là nguyên nhân gây dị ứng.

Cô nhạy cảm với khí lạnh đến mức chỉ cần uống một ít nước đá, mở tủ lạnh, nhảy vào nước lạnh trong bể bơi hoặc tiếp xúc với một luồng gió lạnh cũng gây dị ứng. Căn bệnh khiến bất cứ khi nào ra ngoài đường thì Fisher cũng phải mang khẩu trang.

Tài liệu từ Mayo Clinic cho hay, mọi người có thể gặp phải triệu chứng tương tự khi ăn hoặc uống phải thực phẩm lạnh. Triệu chứng phổ biến nhất là phát ban đỏ, ngứa sau khi tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ khiến huyết áp giảm mạnh, đường hô hấp thu hẹp dẫn tới khó thở.

Các phản ứng sốc phản vệ nghiêm trọng nhất thường xảy ra khi tiếp xúc toàn bộ da với môi trường có nhiệt độ thấp. Chẳng hạn, nạn nhân bơi trong nước lạnh. Điều này có thể dẫn tới mất ý thức và chết đuối.

Theo viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, người ta không biết chính xác mức độ phổ biến của tình trạng dị ứng lạnh này, một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 0,05%. Và cho đến tận bây giờ, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm được cách chữa triệt để căn bệnh quái ác này.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN