Thứ năm, 25/04/2024 | 21:22
RSS

Người đàn ông ngừng tuần hoàn vì uống rượu ngâm hạt cau

Thứ sáu, 17/01/2020, 13:18 (GMT+7)

Rượu cau được lưu truyền trong dân gian với công hiệu chữa các bệnh về răng lợi. Tuy nhiên, theo bác sĩ, người dân không nên uống, chỉ sử dụng ngậm rượu sau khi pha loãng bởi dùng nhiều có thể gây ra ngộ độc.

Người đàn ông ngừng tuần hoàn nguy kịch vì uống rượu ngâm hạt cau
Người đàn ông ngừng tuần hoàn vì uống rượu ngâm hạt cau đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tối ngày 14/1, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận bệnh nhân nam Hoàng Văn N (38 tuổi), tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn nghi ngờ do uống rượu ngâm hạt cau khô.

Gia đình cho biết anh N. có uống hơn 300ml rượu ngâm hạt cau khô. Sau đó người bệnh bỗng dưng có biểu hiện vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân. Anh được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo Ths.BS Lê Duy Đạo, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, da lạnh và tím tái toàn thân, vã mồ hôi, vệ sinh không tự chủ được, đồng tử hai bên co nhỏ, mạch, huyết áp không đo được, nhịp tim rời rạc.

Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, dùng thuốc và thở máy, rửa dạ dày.

Sau khi cấp cứu, đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch, ăn uống và sinh hoạt trở lại bình thường. Dự kiến, sau 1-2 ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện.

BS Đạo khuyến cáo, rượu cau là một loại thuốc được lưu truyền trong dân gian cực kì hiệu quả trong việc chữa các bệnh về răng và lợi. Tuy nhiên, người dân không nên tự uống, chỉ sử dụng ngậm rượu sau khi pha loãng. Nếu dùng với số lượng nhiều sẽ gây ra ngộ độc.

Theo Lương y Minh Phúc, hạt cau vị chát, tính ôn, có tác dụng diệt trùng. Hạt cau có chất arecolin tạo ra các cảm giác tỉnh táo hơn, hưng phấn hơn, tăng cường sức lực,... Ngoài ra, hoạt chất này thường được dùng làm thuốc trị giun sán.

Khi uống nhiều rượu ngâm hạt cau sẽ có những biểu hiện choáng, vã mồ hôi, tím tái như bệnh nhân trên. Về tác dụng chữa đau răng lương y Minh Phúc cho biết, rượu ngâm hạt cau cũng có tác dụng đối với răng miệng tuy nhiên rất ít.

Dân gian, người ta dùng rượu ngâm hạt cau chữa đau răng bằng cách ngậm rồi nhổ chứ không nuốt.

Lương y Phúc nhấn mạnh, rượu ngâm hạt cau chỉ nên sử dụng để ngậm chứ tuyệt đối không được uống. Trường hợp pha loãng để sử dụng cũng không nên vì nguy cơ ngộ độc rất lớn. Chỉ các thầy thuốc biết và có kinh nghiệm sử dụng để chữa một số bệnh giun sán.

 

Trang Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN