Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:04
RSS

Rộ mốt làm rượu ngâm hoa quả ngày Tết: Dễ uống nhưng hại khôn lường!

Thứ ba, 13/02/2018, 08:30 (GMT+7)

Việc rượu pha với nước ngọt hay hoa quả có thể tạo cho bạn cảm thấy ngon miệng và mới lạ tuy nhiên liệu cách này này có tốt cho sức khỏe?

Gần Tết, nhiều gia đình đang rộ mốt chế biến món rượu hoa quả bằng cách cắt nhỏ trái cây, rải đường phèn và ngâm cùng rượu. Loại rượu này được ngâm trong khoảng một tháng và có mùi hương thơm nồng, ngọt, dễ uống. 

Bên cạnh đó, nhiều chị em còn tự chế rượu với các loại nước ngọt, trái cây để dễ uống hơn và cho rằng loại thức uống này an toàn với sức khỏe đặc biệt tốt cho da.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe

rượu ngâm hoa quả có tốt cho sức khỏe
Rượu ngâm hoa quả liệu có tốt cho sức khỏe. Ảnh: Tri thức trực tuyến

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, cho biết rượu hoa quả đang được xem là trào lưu tại các bữa tiệc cuối năm bởi hương vị thơm mát, dễ uống. Tuy nhiên, loại rượu này cũng tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe.

Theo chuyên gia này, rượu hoa quả được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị nhưng chủ yếu gồm rượu vang hoặc rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite, cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu…

“Nhiều người cho rằng rượu này rất nhẹ, dễ uống, vị thơm và mát vì thế phù hợp với mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, loại rượu này không đem lại lợi ích về sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ”, TS Sơn cảnh báo.

Chuyên gia lý giải hỗn hợp trên khi pha chế sẽ chuyển thành dạng giấm, không phải rượu. Chúng không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, rượu khi kết hợp với các loại nước ngọt có gas, soda có chứa cafein sẽ làm đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu và do đó có thể gây đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, chị em nên cẩn trọng khi uống loại rượu này. Đặc biệt, phụ nữ có thai cần tránh xa bia rượu.

Đây là cách pha chế "nhố nhăng"?

rượu ngâm hoa quả có độc hại không
Công thức làm rượu hoa quả được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Trí thức trẻ

Còn theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết trên Trí thức trẻ, đây là cách pha chế "nhố nhăng".

Theo PGS Thịnh, dù là coktail người ta cũng chỉ pha bằng rượu mạnh chứ không phải với công thức hỗn hợp như mọi người đang chia sẻ rầm rộ trên mạng.

PGS Thịnh nhận định, hỗn hợp như trên khi pha xong để 1 thời gian uống sẽ chuyển thành dạng giấm chứ không phải rượu. Đồ uống này sẽ không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng. Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hoá, gan, máu.

Nói về nguy cơ gây ung thư, PGS Thịnh cho biết loại rượu ngâm hoa quả này không thể gây ung thư được. Các loại hoa quả khi gặp rượu, nước ngọt có gas, đường tạo lên men như một loại giấm không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.

"Còn để sinh ung thư thì phải qua thời gian dài và có các chất lạ, chất lạ này gây ra đột biến tế bào lạ mới sinh ung thư", PGS Thịnh khẳng định.

Bên cạnh đó, theo PGS Thịnh, trong khoa học không có độc tố anphatocxin, mà chỉ có độc tố aflatoxin có thể gây hại cho gan, thận thậm chí tăng nguy cơ ung thư gan. PGS Thịnh nhấn mạnh, aflatoxin chỉ sinh ra từ nấm mốc của các loại hạt ngũ cốc, hạt chứa dầu như gạo, ngô, đậu tương, lạc, vừng, hạnh nhân… chứ không có trên hoa quả.

Tuy nhiên Theo PGS Thịnh công thức làm rượu này rất nhố nhăng không có tác dụng nào.

Hơn nữa, khi pha chế rượu, hầu hết các bạn trẻ thường "trộn" các loại đồ uống theo kiểu ngẫu hứng. Một số loại rượu và nước có ga không hề hợp nhau về mùi vị nhưng vẫn được pha trộn. Sự thiếu hiểu biết kiến thức về mặt khoa học của các bạn trẻ đang biến phong trào uống rượu tự pha chế thành hiểm họa, mối nguy cho sức khỏe.

Kết hợp đồ uống có cồn với các loại nước ngọt, đặc biệt là đồ uống có ga sẽ khiến cho sự chuyển hóa chất cồn lên não sẽ diễn ra nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị đau đầu, chóng mặt sau mỗi cuộc nhậu.

Theo các chuyên gia y tế Mỹ thì cách pha trộn hoa quả với rượu thực ra là chiêu để các quán bar tiết kiệm rượu khi pha chế. Vì thế chị em nên hết sức thận trọng khi áp dụng các công thức trên mạng chưa có kiểm chứng khoa học về áp dụng cho gia đình mình.

TH
Theo Tri thức trực tuyến/Trí thức trẻ