Thứ sáu, 26/04/2024 | 12:06
RSS

Người đàn ông bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ trên giường

Thứ ba, 25/08/2020, 15:04 (GMT+7)

Bệnh nhân nhập viện với vết thương ở sườn trái kèm theo con rắn đã bắt được. Qua kiểm tra, nhân viên y tế xác định đây là rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen, dài khoảng 20 cm.

Sự kiện:
Lạng Sơn

Người đàn ông bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ trên giường

Rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen.

Ngày 25/8, VNExpress dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho một nam bệnh nhân (37 tuổi, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) bị rắn cắn. Bệnh nhân nhập viện tối ngày 23/8 với vết thương ở sườn trái kèm theo con rắn đã bắt được.

Theo lời kể của bệnh nhân, không rõ rắn đã bò lên giường từ lúc nào. Do nhà ở gần bệnh viện nên vào giờ đầu tiên ngay sau khi bị rắn cắn đã kịp thời được đưa đến viện cấp cứu và truyền huyết thanh kịp thời. Qua kiểm tra, nhân viên y tế xác định đây là rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen, dài khoảng 20 cm. 

Các bác sĩ đã xác định vết rắn cắn không rõ, chỉ bị sưng, các chức năng cơ thể của bệnh nhân vẫn bình thường, chưa ảnh hưởng đến tính mạng. Đến chiều ngày 24/8, gia đình xin chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Được biết, cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau. Rắn cạp nia được tìm thấy nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Chúng sinh sống chủ yếu tại các đồng cỏ hoặc khu rừng có nhiều bụi rậm. Theo các nhà khoa học, độc lực của rắn cạp nia mạnh hơn nhiều lần so với rắn hổ mang.

Nguyên nhân khiến nhiều người chết sau khi rắn cạp nia cắn là hầu hết vết cắn không sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, thậm chí không biết mình bị rắn cắn. Có người biết, nhưng vào viện cấp cứu quá muộn, sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh xảy ra. 

Hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ dẫn tới suy hô hấp, tử vong nếu không được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế cấp cứu. Nguy cơ chết người do rắn cạp nia cắn tùy thuộc vào lượng nọc độc xâm nhập cơ thể, cũng như tình trạng sức khỏe của người bị rắn cắn lúc đó.

Theo thông tin đăng tải trên Zing, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 20 trường hợp nhập viện do bị rắn độc cắn. Cao điểm từ tháng 6-8/2020, có tới 16 bệnh nhân nhập viện.

Hầu hết bệnh nhân bị rắn độc cắn xuất hiện tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, xuất huyết do rối loạn đông máu, hoại tử... Việc xác định vết rắn cắn rất khó khăn, bởi thường không có dấu vết rõ ràng, đôi khi chỉ có hai vết móc nhỏ như đầu kim, đặc biệt rắn cạp nia cắn thì vết móc này rất nhỏ.

Do đó, các sĩ khuyến cáo mọi người nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn. Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa hoặc bắt rắn. Rắn sẽ tấn công người khi bị chọc phá hay bị đe dọa.

Ngoài ra, chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh khi bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không tự đi lại, nặn bóp vết thương. Sau đó, người nhà cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN