Thứ hai, 25/11/2024 | 02:15
RSS

Chuyên gia chỉ cách xử lý cấp tốc khi bị rắn cắn

Thứ năm, 28/11/2019, 10:50 (GMT+7)

Không ít người có thói quen hút nọc độc rắn để sơ cứu cho nạn nhân. Tuy nhiên, lương y Nguyễn Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu cho biết hành động này tác hại khó lường.

Mới đây, bé L.M.U (13 tuổi, ngụ tại Phú Yên) người dân tộc Ê Đê đi cắt cỏ ngoài đồng, bị rắn cắn ở gối trái. Sau đó bị sưng, đau nhiều nên gia đình đưa bé đến bệnh viện Tuy Hòa.

Cảnh báo tự hút nọc độc sau khi rắn cắn tác hại khó lường
Tác hại khó lường khi tự hút độc sau khi bị rắn cắn. Ảnh minh họa

Tại viện, bác sĩ xác định bệnh nhi bị rắn độc cắn và chỉ định điều trị, song người nhà xin về. Nghe hàn xóm mách nước, cha bé đưa em đến một thầy lang vườn cắt, lễ và hút máu ở hai chân. 

Qua vài ngày, vết thương ở chân trái không những không thuyên giảm mà chân phải cũng bị sưng to, gây đau đớn cho bé nên được người nhà chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM do cả hai chân của bệnh nhân đã bị nhiễm trùng rất nặng.

Khi nhập viện Nhi đồng 2, tình trạng nhiễm trùng hoại tử cẳng chân phải của bệnh nhi quá nặng, bác sĩ buộc phải cắt bỏ phân chân dưới. Chân trái cũng được  bác sĩ cắt lọc và hút dịch 3 lần những chỗ hoại tử nặng song khả năng phải đoạn chi là rất cao.

Theo chia sẻ của lương y Nguyễn Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu, khi bị rắn cắn người thân cần có cách sơ cứu kịp thời theo nguyên tắc là ngăn lượng độc tố không lan nhanh ra khắp cơ thể. 

Cụ thể, ngay sau khi bị rắn cắn, nên rửa sạch vết thương và sử dụng bông gạc dài, lá cây có vị chát đắp vào vết thương và quấn chặt tại vùng bị rắn cắn để ngăn máu độc lưu thông. Một số lá cây có công dụng nhất định đối với người bị rắn cắn như lá cây kim vàng, cây duối...

Khi bị rắn độc cắn có thể dùng 100g lá kim vàng tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đem đắp vào nơi bị rắn độc cắn. Ngoài ra, có thể sử dụng cây duối để sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Vỏ cây duối và và vỏ cây sung tỉ lệ 1:1 giã nát hòa với nước tiểu trẻ em chắt lấy nước uống. 

Tuy nhiên ông Phúc cho rằng thực tế những cây thuốc nam cũng chỉ là cách sơ cứu ban đầu bởi cho đến nay vẫn chưa có một loại cây thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh rắn cắn. 

Cũng theo ông Phúc, người dân không nên tự hút máu độc của nạn nhân sau khi bị rắn cắn bởi khi hút máu độc do không biết chất độc từ chủng loại rắn an toàn hay cực độc nên nguy hại khó lường. 

Đồng thời, khi hút máu độc không đúng cách dễ khiến máu độc lan sang cơ thể bệnh nhân nhanh hơn, ngay cả người hút máu độc cũng có nguy cơ bị chất độc xâm nhập cơ thể.  

Vì thế, sau khi sơ cứu điều quan trọng là người thân phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tuyệt đối không đưa bệnh nhân đến những cơ sở điều trị tự phát gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hạo Nhiên
Theo Đời sống Plus/GĐVN